Thừa, thiếu giáo viên ở Hà Nội: Chờ giải pháp từ Luật Nhà giáo

Công tác tuyển dụng, quản lý giáo viên cấp mầm non, tiểu học và THCS đang được giao cho cấp huyện quản lý.

Cô trò Trường THCS Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) trong giờ học thực hành. Ảnh: Vân Anh

Cô trò Trường THCS Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) trong giờ học thực hành. Ảnh: Vân Anh

Việc này dẫn đến việc thừa giáo viên ở huyện này nhưng không thể điều động sang huyện khác.

Nghịch lý thừa - thiếu

Huyện Phú Xuyên (Hà Nội) hiện có 86 đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, gồm 30 trường mầm non, 28 trường tiểu học và 28 trường THCS, với tổng số 42.454 học sinh. Địa bàn rộng, dân cư phân bổ không đồng đều, Phú Xuyên gặp tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số bộ môn và cấp học.

Điều này buộc các trường phải đề nghị giáo viên dạy vượt định mức số giờ, dẫn đến chi phí lương và phụ cấp tăng cao, ảnh hưởng đến ngân sách chi thường xuyên. Ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội còn tình trạng không đồng đều về cơ cấu và chất lượng đội ngũ giữa các cấp học và địa bàn. Chẳng hạn như Phú Xuyên có tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên. Ở cấp tiểu học và THCS thiếu hơn 100 giáo viên, trong khi cấp mầm non thừa hơn 100 giáo viên.

Cùng đó, ở các địa phương khác như quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông... lại đang thiếu giáo viên mầm non. Điều bất cập là công tác tuyển dụng và quản lý giáo viên mầm non, tiểu học, THCS giao cho UBND các quận huyện thực hiện trong địa phương nên không thể điều động sang địa phương khác, gây khó khăn cho việc quản lý khai thác và sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên.

Ông Dương Minh Tuấn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Xuyên thông tin, Phú Xuyên là huyện có nguồn thu thấp, dẫn đến nguồn lực để đầu tư còn khó khăn, nhất là lĩnh vực giáo dục. Vì vậy, đến nay toàn huyện chỉ có 71/88 trường học đạt chuẩn quốc gia (đạt 71,6%), thấp so với mặt bằng chung của thành phố.

Phú Xuyên còn nhiều điểm trường lẻ nằm rải rác ở các thôn trên toàn địa bàn. Do vậy, nhiều trường không thể bố trí cơ sở vật chất, nhân sự cho bữa ăn bán trú, tổ chức quản lý, giảng dạy cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Đây chính là yếu tố dẫn đến nhiều trường chưa thể đạt chuẩn quốc gia theo quy định mới.

Những năm gần đây, ngoài nỗ lực của huyện, UBND TP Hà Nội đã tăng hỗ trợ nguồn ngân sách cho huyện Phú Xuyên trong xây dựng trường học. Từ đó, từng bước xóa các điểm trường lẻ, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, việc xóa các điểm trường lẻ lại dẫn đến thừa giáo viên.

Thừa thiếu giáo viên cục bộ xảy ra tại Hà Nội nhiều năm nay do các nguyên nhân và sở GD&ĐT đã có kiến nghị, đề xuất để giải quyết tình trạng này. Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, bất cập về đội ngũ nảy sinh khi công tác tuyển dụng giáo viên đang thuộc thẩm quyền của huyện, thực hiện theo cơ chế định biên viên chức và ngành Giáo dục không được chủ động trong việc tuyển dụng giáo viên.

 Ngành Giáo dục chủ động tuyển dụng sẽ hạn chế thừa thiếu giáo viên cục bộ, đảm bảo chất lượng nhân lực. Ảnh: Vân Anh

Ngành Giáo dục chủ động tuyển dụng sẽ hạn chế thừa thiếu giáo viên cục bộ, đảm bảo chất lượng nhân lực. Ảnh: Vân Anh

Bao giờ được tự chủ tuyển dụng?

Ông Trần Đình Cảnh - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho hay: Theo định mức, Hà Nội cần 95.853 giáo viên nhưng mới được giao 89.576 chỉ tiêu, còn thiếu 6.277 người. Nhưng do tiền lương thấp, việc làm không ổn định nên việc ký hợp đồng với giáo viên giảng dạy tại các trường gặp nhiều khó khăn.

Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ trên địa bàn thành phố vẫn xảy ra khi số lượng học sinh các cấp học không đồng đều. Cùng đó, tốc độ đô thị hóa cao nên nhiều quận, huyện, khu vực có dân cư tăng nhanh khiến trường lớp quá tải, giáo viên thiếu so với quy định.

Thời gian qua, Sở Nội vụ Hà Nội đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã điều tiết giáo viên giữa các cấp học. Tuy nhiên điều này gặp khó khăn vì nhân sự phải phù hợp với trình độ, chuyên môn đào tạo theo yêu cầu nội dung chương trình ở mỗi cấp học.

Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2,3 triệu học sinh. Mỗi năm, Hà Nội tăng 33 trường học với gần 20 nghìn học sinh. Do đó, áp lực biên chế ngành Giáo dục Thủ đô rất lớn.

Chia sẻ thông tin, ông Duy Hoàng Dương - Trưởng ban Pháp chế, HĐND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh: Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, thành phố triển khai nhiều giải pháp như thực hiện ký hợp đồng, xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực giáo dục, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, thúc đẩy việc tự chủ, chi thường xuyên tại các trường công lập. Trên cơ sở đó, các trường sẽ tự chủ từ tổ chức bộ máy để ký hợp đồng với giáo viên.

UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ cho sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với sở GD&ĐT, UBND các quận, huyện, thị xã tham mưu UBND thành phố phối hợp Bộ Nội vụ rà soát số lượng biên chế giáo viên để đề xuất Trung ương bổ sung biên chế cho ngành Giáo dục Hà Nội, nhất là giáo viên mầm non năm học 2024 - 2025.

Bên cạnh đó, UBND TP giao sở Nội vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện, thị xã trong việc tuyển dụng nhân sự; khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” nhưng phải phù hợp với thực tiễn địa phương và hiệu quả trong việc bố trí.

Ông Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng, ngành Giáo dục chủ động tuyển dụng sẽ hạn chế thừa thiếu giáo viên cục bộ, đảm bảo chất lượng nhân lực. Khi được chủ động trong sử dụng nguồn lực, ngành Giáo dục với thẩm quyền, đặc điểm của mình sẽ biết chính xác cần, thiếu gì. Khi đó, việc điều động giáo viên sẽ linh hoạt hơn.

Lan Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thua-thieu-giao-vien-o-ha-noi-cho-giai-phap-tu-luat-nha-giao-post716615.html
Zalo