THỪA THIÊN - HUẾ TIẾN LÊN THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG: Kỳ vọng thành hiện thực sau 2 năm nữa

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang từng bước vững chắc trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2025 theo tiêu chí đặc thù, trong đó trọng tâm là các tiêu chí về văn hóa đặc sắc và đô thị di sản

Sau hơn một năm khởi công, công trình cầu bắc qua cửa biển Thuận An nối phường Thuận An và xã Hải Dương (TP Huế) đã dần hiện hình hài. Không lâu nữa, khi cây cầu hoàn tất sẽ hình thành tuyến đường ven biển, một động lực để phát triển kinh tế - du lịch cho tỉnh này.

Nhiều dự án hạ tầng giao thông được Thừa Thiên - Huế đầu tư. Trong ảnh: Công trình cầu qua cửa biển Thuận An

Nhiều dự án hạ tầng giao thông được Thừa Thiên - Huế đầu tư. Trong ảnh: Công trình cầu qua cửa biển Thuận An

Thế và lực đã có

Lão ngư Trương Viết Phương, nhà ở sát cửa biển, ngày nào cũng đợi chờ công trình hoàn thiện. Đó cũng là sự chờ đợi của người dân Thuận An, Hải Dương bởi họ được tái hợp sau hơn một thế kỷ kể từ khi cơn biến động của thiên nhiên mở ra cửa biển Thuận An. "Hai làng chúng tôi cùng một ngài khai canh, bên Hải Dương là Thai Dương Hạ thượng giáp, còn Thuận An là Thai Dương Hạ hạ giáp. Lúc xưa cửa biển Thuận An chưa mở thì hai làng như là một. Kể từ năm 1909, cửa biển mở ra, chia cắt hai làng. Vài năm nữa, khi cây cầu hoàn thành thì hai làng lại trở thành một" - ông Phương nói.

Niềm vui của những con dân miệt biển dựa trên đồ án quy hoạch đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 mà tỉnh này đã nhiều lần tổ chức hội nghị lấy ý kiến người dân, chuyên gia. Trong đó, sáp nhập Hải Dương và Thuận An thành một phường trực thuộc quận phía Nam sông Hương trong mô hình Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2025.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định đây là một hợp phần rất quan trọng trong đề án thành lập thành phố trực thuộc trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10-12-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hình hài của TP Thừa Thiên - Huế trong tương lai đã lộ rõ mà giai đoạn đầu gồm 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện.

Dự kiến khu vực phát triển đô thị tập trung chủ yếu nằm giữa phá Tam Giang và đường cao tốc Bắc - Nam, chủ yếu mở rộng đô thị trung tâm TP Huế, Tứ Hạ (Hương Trà), Phú Bài (Hương Thủy) và các thị trấn trung tâm huyện. Không gian đô thị sẽ kế thừa và phát triển mô hình chuỗi đô thị di sản - văn hóa - cảnh quan nhằm phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế thành đô thị phát triển bền vững.

Theo đề án, định hướng phát triển khu vực quận Bắc và Nam sông Hương trên cơ sở chia tách TP Huế sẽ có tính chất là trung tâm hành chính thành phố trực thuộc trung ương, di sản văn hóa thế giới, du lịch, festival cấp quốc gia và mang tầm quốc tế. Trong đó, quận Bắc sông Hương có điểm nhấn là kinh thành Huế, phố cổ Bao Vinh, làng nghề truyền thống Kim Long, cùng các di tích lịch sử như khu lăng mộ được bảo tồn.

Với quận Nam sông Hương, sẽ quản lý và bảo tồn theo quy định Luật Di sản đối với khu vực còn lưu giữ các công trình kiến trúc Pháp, đàn Nam Giao, hệ thống lăng tẩm, nhà thờ Phủ Cam, làng nghề truyền thống, các ngôi nhà truyền thống.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/2022/NĐ-CP về thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ Bảo tồn di sản Huế giúp tiếp nhận nguồn hỗ trợ, tài trợ để thực hiện các dự án, đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế

Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/2022/NĐ-CP về thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ Bảo tồn di sản Huế giúp tiếp nhận nguồn hỗ trợ, tài trợ để thực hiện các dự án, đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế

Sức bật từ những nghị quyết quan trọng

Ông Nguyễn Văn Phương cho biết từ khi Nghị quyết 54-NQ/TW được ban hành, tỉnh đã nghiêm túc, kịp thời thể chế hóa đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản tại Nghị quyết 54-NQ/TW và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW. Đến nay, Thừa Thiên - Huế đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết, nghị định, quyết định. Địa phương cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện.

Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế làm cơ sở để tỉnh phát huy nội lực, huy động được tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, bảo đảm nguồn thu ngân sách bền vững, tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng để địa phương này phát triển nhanh và bền vững.

Đặc biệt, ngày 27-4-2021, địa giới hành chính TP Huế được mở rộng, tăng diện tích lên gấp 4 lần, tăng quy mô dân số và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giúp đẩy nhanh quá trình đô thị hóa.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Thừa Thiên - Huế đang gấp rút xây dựng các đề án phân loại đô thị trực thuộc trung ương và đề án thành lập thành phố trực thuộc trung ương; tập trung xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia...

Diện mạo đô thị khởi sắc

Nửa chặng đường Thừa Thiên - Huế phấn đấu lên thành phố trực thuộc trung ương, giờ đây bộ mặt đô thị đang dần khởi sắc với rất nhiều dự án được thực hiện như phố đi bộ Hai Bà Trưng, dự án đường Vành đai 3, nhà ga T2 của Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài...

Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Kinh tế giữ được mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 - 2022 đạt 5,2%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 2.400 USD, gấp 1,19 lần so với năm 2019. Thu ngân sách ổn định, tăng trưởng bình quân 16%/năm. Từng bước phát huy được vị thế của trung tâm văn hóa - du lịch, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo lớn của cả nước. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch đạt nhiều kết quả; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 4,13%.

"Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW đã dần hiện thực hóa, đi vào cuộc sống với những kết quả quan trọng. Đến nay có thể khẳng định Thừa Thiên - Huế đang tiến những bước vững chắc trên bước đường trở thành thành phố trực thuộc trung ương" - ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.

Sớm trình Quốc hội xem xét

Tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế vào giữa tháng 7-2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh cần rà soát, đánh giá kỹ hơn nữa kết quả thực hiện các nghị quyết; cụ thể hóa, thể chế hóa cho được các nghị quyết của trung ương, đặc biệt là Nghị quyết 54-NQ/TW. Trên cơ sở đó có định hướng, quản lý khai thác các nguồn lực, hướng đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Trong công tác quy hoạch, khu vực Chân Mây - Lăng Cô cần định hướng theo mô hình thành phố trong thành phố. Tỉnh cần chuẩn bị tốt đề án thành lập thành phố trực thuộc trung ương, nỗ lực để cuối năm 2024 trình Quốc hội xem xét. Trong các nhiệm vụ, đưa huyện A Lưới ra khỏi danh sách huyện nghèo là vấn đề phải đặc biệt quan tâm, đây là nhiệm vụ chính trị.

(Còn tiếp)

Bài và ảnh: Quang Nhật

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/thua-thien-hue-tien-len-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-ky-vong-thanh-hien-thuc-sau-2-nam-nua-20230829205031861.htm
Zalo