Thư viện số đầu tiên tại Tunisia là kinh nghiệm quý báu cho các nước triển khai
Trong nỗ lực thiết lập các nền tảng kỹ thuật số chất lượng cao để hỗ trợ cộng đồng học thuật, một thư viện kỹ thuật số - được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) - đã đưa vào sử dụng tại Tunisia vào tháng 9 năm nay.
Nền tảng này, được gọi là ELM, viết tắt của E-Learning Mentor - do các chuyên gia Tunisia thiết kế, phát triển và cài đặt - đã được công bố vào tháng 9/2024.
Thư viện số, được hỗ trợ bởi AI, sẽ cung cấp quyền truy cập miễn phí vào sách, kho lưu trữ đào tạo, khóa học và luận văn ở tất cả lĩnh vực nghiên cứu cho tất cả sinh viên, giáo sư và nhà nghiên cứu tại các tổ chức giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học.
Dự án này nhằm mục đích mở ra chân trời mới cho hợp tác học thuật và khoa học trên phạm vi quốc tế.
Ông Béchir Allouch, Giáo sư công nghệ tại Đại học Tunis cũng hoan nghênh việc thành lập thư viện hỗ trợ AI như một dự án chiến lược.
"Thư viện được hỗ trợ bởi AI sẽ giúp ích cho sinh viên và cộng đồng học thuật vì cải thiện hiệu quả và độ chính xác của dữ liệu thư viện, tăng tính liên quan, đa dạng các nguồn lực và dịch vụ, đồng thời hỗ trợ đổi mới và học tập. Nó cũng sẽ giúp hiện đại hóa và thúc đẩy việc học trực tuyến, cùng với việc cung cấp cho người dân Tunisia khả năng tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn lực giáo dục, nghiên cứu chất lượng và hỗ trợ cá nhân hóa", Giáo sư Allouch nhấn mạnh.
Hỗ trợ bởi AI và internet
Bên cạnh những lợi thế mà thư viện số mang lại cho người đọc, môi trường hoạt động của thư viện cũng được cải thiện nhờ nâng cấp mạng lưới internet quốc gia, giúp giảm chi phí kết nối internet. Tuy nhiên, tốc độ và mức độ thâm nhập internet vẫn còn thấp.
Tunisia xếp vị trí thứ 81 trong số 193 quốc gia về Chỉ số sẵn sàng cho trí tuệ nhân tạo năm 2023.
Trong số 5 quốc gia châu Phi hàng đầu được đưa vào xếp hạng, Tunisia xếp thứ tư sau Mauritius, Ai Cập và Nam Phi.
Chỉ số này do công ty tư vấn toàn cầu Oxford Insights và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế công bố, đo lường mức độ sẵn sàng sử dụng công nghệ AI của các nước bằng cách đánh giá khả năng quản trị, cơ sở hạ tầng và quản lý dữ liệu, kỹ năng và giáo dục, cũng như chính phủ và các dịch vụ công.
Thống kê cho thấy, trong số khoảng 12 triệu người dân Tunisia, 6.658.900 người có quyền truy cập internet – chiếm 64,8% tổng dân số có quyền truy cập internet.
Ngoài ra, trong số 5 quốc gia có chi phí internet phải chăng nhất ở châu Phi, Tunisia xếp thứ 3 sau Sudan và Ai Cập.
Một mô hình cho Bắc Phi
Bouraoui Seyfallah, Giáo sư AI tại Đại học Khoa học và Công nghệ Houari Boumediene tại Algeria đã hoan nghênh sự phát triển thư viện số ở Tunisia như một kinh nghiệm quý báu cho các quốc gia trong khu vực Bắc Phi.
"Thư viện sử dụng AI sẽ cải thiện hiệu quả và hiệu suất các dịch vụ học thuật thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cung cấp thông tin, tổ chức và tìm kiếm cũng như mang lại dịch vụ hiệu quả và thân thiện hơn với người dùng", Giáo sư Seyfallah chia sẻ.
"ELM là một công cụ mới để lọc và thu thập các tạp chí và ấn phẩm khoa học truy cập mở, giúp sinh viên và cộng đồng học thuật tiếp cận và quản lý các dự án nghiên cứu", bà Seyfallah giải thích.
Bà Seyfallah khẳng định ELM sẽ có tác động tích cực đến năng suất nghiên cứu của các trường đại học ở Tunisia và cũng sẽ giúp các thủ thư đưa ra các quyết định quan trọng về tác động tương lai của thư viện.
Bằng cách phân tích dữ liệu về mẫu người dùng, thủ thư có thể thu thập thông tin chi tiết, lập kế hoạch sự kiện, phân bổ ngân sách, phát triển dịch vụ và xây dựng bộ sưu tập thu hút độc giả.
Tuy nhiên, điểm yếu của AI trong thư viện là thiếu sự can thiệp của con người và hỗ trợ cá nhân hóa, cũng như các thách thức kỹ thuật do phụ thuộc vào công nghệ và các lỗi hệ thống tiềm ẩn.
"Do đó, thư viện số do AI hỗ trợ phải đảm bảo chất lượng dữ liệu đầu vào, tuân thủ các vấn đề về bản quyền và quy định bảo vệ dữ liệu, xem xét quyền truy cập công bằng và giải quyết các khía cạnh kỹ thuật liên quan đến rủi ro bảo mật, cùng với việc thúc đẩy hợp tác giữa con người và AI để đảm bảo kết quả tốt nhất cho người dùng thư viện", Seyfallah gợi ý.
Quan điểm của bà Seyfallah được nhắc đến trong một nghiên cứu năm 2024 có tựa đề 'Kiểm tra các lợi thế, hạn chế, cơ hội và thách thức của việc triển khai AI trong thư viện', trong đó nêu rằng các thư viện phải 'đảm bảo các quy trình triển khai có trách nhiệm và đạo đức đồng thời định hướng chính xác để tận dụng lợi thế do AI mang lại'.
Theo bà Seyfallah, các trường đại học và cơ sở giáo dục đại học ở châu Phi nên học hỏi kinh nghiệm của Tunisia và xây dựng kế hoạch hành động thiết lập thư viện số có hỗ trợ bởi AI hiệu quả và thân thiện với người dùng nhằm đáp ứng nhu cầu tốt nhất trong nghiên cứu, giảng dạy và dịch vụ cộng đồng./.
Hồng Nhung
*Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL thực hiện