Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu và nhân rộng mô hình 'Tỉnh an toàn giao thông'

Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu, nhân rộng mô hình 'Tỉnh An toàn giao thông', lấy con người làm trung tâm, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản khi tham giao thông.

Tai nạn giao thông giảm sâu

Sáng 22/9, trong chương trình công tác tại Bắc Ninh, tại Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị sơ kết 1 năm xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông" do Tỉnh ủy Bắc Ninh và Đảng ủy Công an Trung ương phối hợp tổ chức.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn, lãnh đạo Bộ Công an, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo công an một số địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị sơ kết 01 năm xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông" do Tỉnh ủy Bắc Ninh và Đảng ủy Công an Trung ương phối hợp tổ chức - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị sơ kết 01 năm xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông" do Tỉnh ủy Bắc Ninh và Đảng ủy Công an Trung ương phối hợp tổ chức - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Năm 2023, thực hiện chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương về xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông", Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về xây dựng "Tỉnh An toàn giao thông" hướng tới mục tiêu thay đổi diện mạo tình hình trật tự an toàn giao thông; lấy con người làm trung tâm, là trọng tâm, là chủ thể, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản khi tham giao thông; khơi dậy niềm tự hào, hình thành đặc trưng "Văn hóa giao thông" của người Bắc Ninh; khắc phục triệt để các bất cập trong tổ chức giao thông, quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, đào tạo lái xe, kiểm định phương tiện; ứng dụng triệt để công nghệ trong xử lý vi phạm giao thông.

Theo báo cáo, qua 1 năm triển khai thực hiện, các mục tiêu cơ bản trong xây dựng "Tỉnh An toàn giao thông" đã hoàn thành (30 nhiệm vụ hoàn thành; 27 nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài), trong đó an ninh trật tự được giữ vững; cả hệ thống chính trị đã thực sự vào cuộc quyết liệt; cấp ủy, chính quyền, nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

Không những vậy, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật tham gia giao thông chuyển biến rõ nét, bước đầu hình thành thói quen, văn hóa giao thông của người Bắc Ninh. Cán bộ, đảng viên, giáo viên đã thực hiện vai trò gương mẫu, đi đầu trong xây dựng "Tỉnh An toàn giao thông", tỉ lệ đảng viên vi phạm rất thấp (Đài Truyền hình tỉnh Bắc Ninh hàng tuần chạy chữ thông báo đảng viên, cán bộ, công chức vi phạm). Đặc biệt, tai nạn giao thông giảm sâu (giảm 16% số vụ, 20% số người chết, 19% người bị thương).

Cùng với đó, bộ mặt trật tự an toàn giao thông của tỉnh chuyển biến tích cực. Tổ chức giao thông được rà soát kỹ lưỡng, các điểm đen, tiềm ẩn tai nạn giao thông được xử lý 100%; lắp 100% gờ, gồ giảm tốc từ ngõ ra đường (lắp thêm 6.010 điểm). Hạ tầng giao thông được tăng cường, nhiều công trình trọng điểm được quyết liệt đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành; một số bất cập tồn tại nhiều năm đã được khắc phục.

Triển khai chuyển đổi trạng thái của lực lượng cảnh sát giao thông từ thủ công sang ứng dụng công nghệ. Công tác tuần tra, xử lý vi phạm tăng cao so với trước khi thực hiện "Tỉnh An toàn giao thông". Xử phạt 45.401 trường hợp, với số tiền 103,5 tỷ (tăng 101% so với trước khi xây dựng "Tỉnh An toàn giao thông"). Riêng xử phạt nồng độ cồn 15.067 trường hợp (tăng 146%), xử phạt tốc độ 5.654 trường hợp, tăng hơn 05 lần. Trên địa bàn không có xe cơi nới thành thùng.

Việc xây dựng "Tỉnh An toàn giao thông" là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Nhật Bắc

Việc xây dựng "Tỉnh An toàn giao thông" là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Nhật Bắc

Những kết quả trên có thể khẳng định việc xây dựng "Tỉnh An toàn giao thông" là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói riêng và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung, được các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

Triển khai, nhân rộng mô hình "Tỉnh an toàn giao thông"

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh an toàn giao thông là một nội dung quan trọng trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn xã hội và là vấn đề liên quan đến mọi người, mọi nhà.

Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của Bộ Công an về triển khai thí điểm mô hình "Tỉnh an toàn giao thông". Là địa phương đầu tiên được Bộ Công an lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình này, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai mô hình này với cách làm, bước đi phù hợp với bối cảnh, tình hình, điều kiện cụ thể trên địa bàn, đạt những kết quả tích cực, làm thay đổi bộ mặt trật tự an toàn giao thông của tỉnh, góp phần bảo vệ cuộc sống bình an của nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu và nhân rộng mô hình 'Tỉnh an toàn giao thông'. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu và nhân rộng mô hình 'Tỉnh an toàn giao thông'. Ảnh: Nhật Bắc

Nổi bật là nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân có chuyển biến rõ nét, bước đầu hình thành thói quen, văn hóa giao thông của người Bắc Ninh. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường; kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư. Trật tự công cộng được xử lý quyết liệt, tạo bộ mặt đường phố, lòng đường, vỉa hè thông thoáng, an toàn. Tai nạn giao thông giảm sâu.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông vẫn còn nhiều thách thức; ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn còn lớn; tai nạn giao thông ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn là vấn đề nhức nhối.

Thủ tướng nhấn mạnh, an toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà. Đại hội XIII của Đảng đã xác định "Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân". Trong đó, an toàn giao thông là vấn đề quan trọng được toàn xã hội quan tâm và các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng đảm bảo.

Việc thí điểm xây dựng mô hình "Tỉnh an toàn giao thông" có ý nghĩa quan trọng trên nhiều khía cạnh về cả kinh tế, xã hội, trật tự an toàn giao thông; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiến thức, văn hóa và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho người dân.

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương phát huy những kết quả đạt được, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tập trung triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và phát triển con người. Triển khai hiệu quả Luật Giao thông đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về trật tự an toàn giao thông phù hợp, hấp dẫn với từng nhóm đối tượng.

Tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông, kết nối hài hòa các phương thức giao thông vận tải. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông; kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan bảo đảm trật tự an toàn giao thông tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị sau hội nghị, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tổng kết, hoàn thiện mô hình "Tỉnh An toàn giao thông", các cơ quan nghiên cứu, tính toán, triển khai nhân rộng xây dựng mô hình với lộ trình, bước đi, cách làm phù hợp tình hình, điều kiện của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, mang lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, khi người dân thấy có lợi ích thiết thực thì sẽ tự nguyện, tích cực hưởng ứng, mục tiêu là tất cả các tỉnh, thành phố đều là tỉnh an toàn giao thông.

Hoàng Giang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuong-yeu-cau-nghien-cuu-va-nhan-rong-mo-hinh-tinh-an-toan-giao-thong-347521.html
Zalo