Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn, đẩy lùi, chấm dứt buôn lậu hàng giả
Buôn lậu, hàng giả là vấn đề lớn, Thủ tướng yêu cầu phải ngăn chặn, đẩy lùi, chấm dứt, kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tổ chức, cá nhân.
Sáng 14/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để đánh giá về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả những tháng đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Dự hội nghị có: Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; thành viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.
Phải có cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Qua đó, đạt kết quả nhất định, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, thị trường, kiểm soát hàng hóa, bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm an ninh, trật tự…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để đánh giá về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả những tháng đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tuy nhiên, gần đây, nhiều vụ án nghiêm trọng được khám phá như vụ sữa giả ở Hà Nội, thuốc giả ở Thanh Hóa, thực phẩm giả ở Phú Thọ, thực phẩm chức năng giả ở Hà Nội, hàng giả tại TP. Hồ Chí Minh... Hàng giả buôn bán tràn lan trên mạng xã hội; tình trạng thao túng, găm hàng, đội giá… đã tác động, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý người dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thất thu ngân sách, tác động tiêu cực đến nhiều mặt khác của đời sống xã hội.
"Đây là vấn đề lớn, trong thời gian qua, chúng ta đã buông lỏng đối với công tác này. Những thực trạng này đã gây ra tâm lý hoang mang, bệnh tật cho nhân dân; thuốc giả, kiểm soát như thế nào, bệnh cũ không khỏi, phát sinh ra bệnh mới”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đồng thời đặt câu hỏi: Phải chăng do thiếu tinh thần trách nhiệm; chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ?
Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Đồng thời, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm của các cơ quan, các địa phương, lực lượng chức năng để ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Thủ tướng đặt câu hỏi, tới đây, phải tổ chức như thế nào? Phân định trách nhiệm của các cơ quan chức năng ra sao? Có gì chồng chéo, văn bản quy phạm pháp luật đã đầy đủ chưa, nếu chưa thì ai làm? Công tác phối hợp như thế nào để nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt. Đây là đòi hỏi cấp thiết, cuộc họp xác định rõ trách nhiệm, qua đó, Chính phủ sẽ có chỉ thị quán triệt trên toàn quốc.
4 tháng đã khởi tố hình sự gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng
Chia sẻ tại cuộc họp, ông Lê Thanh Hải - Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) - cho biết, 4 tháng đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm.

Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đồng thời đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương, lực lượng chức năng để ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong đó, hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4.897 tỷ đồng; khởi tố hình sự gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng.
Trong đó, ngành hải quan chủ trì, phối hợp với các lực lượng bắt giữ hơn 5.200 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 10.000 tỷ đồng, thu ngân sách Nhà nước đạt trên 347 tỷ đồng. Ngành thuế phát hiện, xử lý hơn 19.000 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế, tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước hơn 4.000 tỷ đồng.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hơn 6.500 vụ, phát hiện, xử lý hơn 5.800 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách trên 93 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 43 vụ có dấu hiệu hình sự.
Lực lượng bộ đội biên phòng chủ trì bắt giữ hơn 400 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 8 tỷ đồng; lực lượng Cảnh sát biển phát hiện, bắt giữ, xử lý 134 vụ, trị giá hàng hóa tạm giữ ước tính trên 8 tỷ đồng.
Lực lượng công an điều tra, xử lý 1.400 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đã khởi tố trên 1.200 vụ, hơn 2.000 bị can; tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 134 tỷ đồng.
Mặc dù, các lực lượng chức năng tích cực, chủ động tiến hành biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đúng theo thẩm quyền. Nhờ đó, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng, bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa phản ánh hết tình hình thực tế. Tình trạng hàng nhập lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Trong nội địa, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn hoạt động công khai ở nhiều nơi, gia tăng trên môi trường thương mại điện tử với quy mô lớn, thời gian dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, tình trạng mua - bán trái phép hóa đơn, gian lận thuế và lợi dụng điều kiện thuận lợi, thông thoáng trong chính sách nhập khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế nêu trên là do hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ, chưa quy định cụ thể việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; trách nhiệm, nhận thức của một số người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương, đơn vị, lực lượng chức năng chưa rõ ràng, còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy khi xảy ra vụ việc vi phạm. Việc trao đổi, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan chưa tốt. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn chưa nhịp nhàng, nhất là trong bối cảnh có sự thay đổi, sắp xếp bộ máy của một số lực lượng (công an, hải quan, thuế, quản lý thị trường).
Dự báo, trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng sẽ triệt để lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế, lợi dụng kẽ hở của pháp luật và sơ hở của lực lượng chức năng để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng; kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi nước thứ ba… với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp diễn biến tình hình địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt, tập trung đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi các nước khác; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Các bộ, ngành theo chức năng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định liên quan đến công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Các lực lượng chức năng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin; triển khai và nâng cao hiệu quả các đường dây nóng, đảm bảo thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân.
Tăng cường kiểm tra, giám sát của các bộ, ngành đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và lực lượng thực thi nhiệm vụ. Gắn trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các cá nhân tiếp tay, bảo kê, bao che cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương; sửa đổi quyết định, quy chế quy định hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 các cấp nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bên cạnh đó, chủ động thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhằm phát hiện, xử lý kịp thời đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.