Thủ tướng yêu cầu bố trí kịp thời kinh phí cho cán bộ nghỉ việc do sắp xếp

Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương bố trí kinh phí cho cán bộ nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính, triển khai chính quyền địa phương 2 cấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, chiều 3-7. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, chiều 3-7. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chiều 3-7, thông tin từ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, trong 6 tháng đầu năm, các địa phương đầu tàu tăng trưởng đạt kết quả tốt.

Tính theo 63 tỉnh, thành phố cũ, TPHCM tăng 7,82%, Hà Nội tăng 7,63% và 10 địa phương tăng trưởng 2 con số (gồm Bắc Giang 14,01%, Quảng Ngãi 12,4%, Nam Định 11,84%, Đà Nẵng 11,7%, Hải Dương 11,59%, Hà Nam 11,09%, Hải Phòng 11,04%, Quảng Ninh 11,03%, Phú Thọ 10,33%, Vĩnh Phúc 10,07%).

Tính theo 34 tỉnh, thành phố mới, có 6 địa phương tăng trưởng 2 con số (Quảng Ngãi 11,51%, Hải Phòng 11,2%, Quảng Ninh 11,03%, Ninh Bình 10,82%, Bắc Ninh 10,47%, Phú Thọ 10,09%).

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục cải thiện. Trong 6 tháng có 96,5% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ; thu nhập bình quân của lao động đạt 8,3 triệu đồng/tháng, tăng 10,1%; hỗ trợ an sinh xã hội hơn 41.100 tỷ đồng

Liên hợp quốc xếp hạng Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2025 tăng 8 bậc, xếp thứ 46, chỉ sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: "Trong xu thế kinh tế toàn cầu suy giảm tăng trưởng, chúng ta vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn, phấn đấu đạt từ 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng từ 2 con số những năm tiếp theo".

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu 3 tăng tốc, gồm:

- Tăng tốc, tập trung huy động tổng đầu tư toàn xã hội tăng từ 11-12% so với năm 2024, để phục vụ mục tiêu tăng trưởng

- Tăng tốc, bứt phá giải ngân 100% vốn đầu tư công trước 31-12-2025

- Tăng tốc, dồn lực để hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trước 27-7, trên phạm vi toàn quốc trước ngày 31-8-2025 và hoàn thành vượt mức kế hoạch xây dựng 100.000 căn nhà ở xã hội trước 31-12-2025.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ điều chỉnh Nghị quyết số 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng của 34 tỉnh, thành phố mới; đôn đốc, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch; khẩn trương trình dự thảo Nghị quyết triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam trước ngày 15-7; bố trí kịp thời kinh phí cho cán bộ nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính, triển khai chính quyền địa phương 2 cấp.

Thủ tướng giao Ngân hàng nhà nước bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý (khoảng trên 16%); chỉ đạo tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay; khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính về hạn mức tín dụng, thay bằng điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường; xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng, báo cáo Thủ tướng trong tháng 7.

Chiều cùng ngày, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy tín dụng.

Kết quả lãi suất cho vay bình quân của các khoản cho vay mới ở mức 6,38%/năm, giảm khoảng 0,6% so với cuối năm 2024.

 Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3-7. Ảnh: QUANG PHÚC

Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3-7. Ảnh: QUANG PHÚC

Về tín dụng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 16% và có điều chỉnh theo diễn biến tình hình kinh tế.

Kết quả, sau khi thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ, tính đến ngày 26-6, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024. So với cùng kỳ của năm 2024, tín dụng tăng 18,87%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2023 trở lại đây.

Về tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục là hai ngành có tỷ trọng lớn.

 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà. Ảnh: QUANG PHÚC

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà. Ảnh: QUANG PHÚC

Một số chương trình khác như cho vay nhà ở xã hội, cho vay đối với người trẻ dưới 35 tuổi cho thuê, mua nhà ở xã hội, hay chương trình gần đây là tín dụng 500.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, sở hữu số, các chương trình có chính sách đã được các tổ chức tín dụng tích cực triển khai.

LÂM NGUYÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thu-tuong-yeu-cau-bo-tri-kip-thoi-kinh-phi-cho-can-bo-nghi-viec-do-sap-xep-post802356.html
Zalo