Thủ tướng: Việc Hoa Kỳ áp thuế là chưa phù hợp, mục tiêu tăng tưởng GDP 8% trở lên không thay đổi
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh để ứng phó tình hình do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã công bố một khuôn khổ thuế quan mới toàn diện trong tuyên bố mà Nhà Trắng gọi là "Ngày giải phóng" của nước Mỹ vào ngày 2/4. Đối với Việt Nam, các mức thuế các hàng hóa vào thị trường này có thể lên tới 46%, theo thông báo của chính quyền Mỹ.
Để đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Hoa Kỳ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, sáng nay 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài.
Sau khi nghe ý kiến các bộ, ngành và lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, tình hình hiện nay cho thấy cạnh tranh thương mại diễn ra gay gắt hơn, phức tạp hơn, khó đoán định hơn.
Thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ, tổng thể về chính trị, ngoại giao, kinh tế, giao lưu nhân dân để ứng phó với tình hình. Việc Hoa Kỳ áp thuế là chưa phù hợp với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, mong muốn của người dân hai bên và những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến để tiếp tục vượt qua những khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài như đã làm những năm qua.
Với vấn đề trước mắt, Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn.
Thủ tướng cho rằng đây cũng là cơ hội khẳng định bản lĩnh, sức mạnh của dân tộc; cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa; thúc đẩy khai thác thị trường, tài nguyên trong nước.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên là không thay đổi.
Liên quan đến các giải pháp ứng phó trước chính sách thuế quan mới của Mỹ, các chuyên gia cũng đã đưa ra những đánh giá ban đầu. Mới nhất, theo Tiến sĩ Scott McDonald, giảng viên Đại học RMIT Việt Nam, việc chính quyền Mỹ tập trung vào "các rào cản phi thuế quan" được đề cập trong thông báo cho thấy các cuộc đàm phán thương mại có thể tiếp tục.
Theo tuyên bố của Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã nói với các quốc gia phải đối mặt với thuế rằng họ "hãy chấm dứt thuế, dỡ bỏ rào cản". Điều này chỉ ra những hướng đi tiềm năng để điều chỉnh cách ứng phó trong tương lai.
"Chính quyền Mỹ mô tả cách tiếp cận của mình là “có đi có lại” ở mức độ vừa phải, và tuyên bố rằng mức thuế được tính toán hiện tại chỉ bằng một nửa so với mức độ bất công thương mại mà họ cho là các nước khác đang áp dụng với Mỹ. Điều này thể hiện mối quan ngại sâu sắc của chính quyền Mỹ, đồng thời cũng để ngỏ khả năng đối thoại ngoại giao.
Những doanh nghiệp biết xây dựng các chiến lược cân bằng – kết hợp đa dạng hóa thị trường, linh hoạt sản xuất và quản lý tài chính cẩn thận – sẽ có khả năng điều hướng giai đoạn này thành công hơn so với những doanh nghiệp chỉ tập trung duy trì các cách tiếp cận thị trường Mỹ hiện tại bất kể chi phí thuế quan mới", chuyên gia cho biết.