Thủ tướng: Tăng cường nguồn lực tín dụng xã hội để 'không ai bị bỏ lại phía sau'
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mọi người dân đều được thụ hưởng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội với tinh thần 'tất cả cùng phát triển', 'không ai bị bỏ lại phía sau'.
Chiều 14-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong 10 năm, đã có hơn 21 triệu hộ được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất-kinh doanh.
Qua đó, giúp hơn 3,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 4,2 triệu lao động vay vốn tạo việc làm; xây dựng hơn 13,2 triệu công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh, môi trường đến với người dân vùng nông thôn; hơn 610.000 học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; hơn 193.000 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách và hơn 1,2 triệu lượt lao động được doanh nghiệp vay vốn trả lương do ảnh hưởng dịch COVID-19…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước là phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, mọi người dân đều được thụ hưởng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội; không "hy sinh" tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; với tinh thần "tất cả cùng phát triển", "không ai bị bỏ lại phía sau", cùng chia sẻ, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.
Trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ các định hướng lớn trong thời gian tới.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả hơn nữa các chủ trương, quan điểm của Đảng về chính sách xã hội và về tín dụng chính sách xã hội.
Thủ tướng yêu cầu cần sớm hoàn thiện nghị định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; thực hiện hiệu quả công tác điều hành; nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác/ủy nhiệm giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị-xã hội, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn; nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn tại các điểm giao dịch xã. Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở.
Các bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, nhằm tập trung nguồn lực, cải thiện cơ cấu nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng ổn định, bền vững,...
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chính, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng gói 30.000 tỷ đồng (cho vay mua, thuê, thuê mua, xây dựng hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội) giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện, trong đó 15.000 tỷ từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ và 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác,...