Thủ tướng: Sửa đổi Bộ luật Hình sự thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu bám sát kết luận của Bộ Chính trị để rà soát, thể chế hóa, cụ thể hóa, thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số điều trong Bộ luật Hình sự.

Tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2025 diễn ra sáng nay, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về 4 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, gồm: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch; Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, thể chế hiện là điểm nghẽn lớn nhất, là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Nhưng đây cũng là điểm nghẽn dễ tháo gỡ nhất, dễ chuyển từ trạng thái khó khăn, vướng mắc sang trạng thái có thể cạnh tranh, đưa thể chế trở thành lợi thế cạnh tranh.

Liên quan dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bám sát kết luận của Bộ Chính trị, thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta trong quản lý đất nước. Bộ luật vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của con người, vừa có công cụ, chế tài phù hợp, đủ sức răn đe với các loại tội phạm; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự,...

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP

Với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Thủ tướng lưu ý cần có chính sách vượt trội so với pháp luật hiện hành tại Việt Nam và quốc tế.

Thời gian tới bộ, ban ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát để cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ bằng hết những khó khăn, vướng mắc về thể chế, phục vụ cho sự phát triển.

Trong đó, Thủ tướng quán triệt, bỏ tư duy "không quản được thì cấm" để chuyển sang thực hiện "không biết thì không quản"; giải phóng toàn bộ sức sản xuất của đất nước, huy động toàn bộ nguồn lực xã hội cho phát triển.

Đồng thời, phân cấp, phân quyền tối đa gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát, đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi; cắt bỏ toàn bộ thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết và tăng cường thẩm quyền xử phạt hành chính, với chế tài, quy định cụ thể, rõ ràng.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu phải nêu rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ tiến độ để khi luật có hiệu lực được tổ chức thực hiện tốt, bảo đảm hiệu quả.

Thủ tướng giao các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực chỉ đạo các cơ quan chủ trì tiếp thu, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các dự án luật, nghị quyết theo đúng quy định để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5.

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thu-tuong-sua-doi-bo-luat-hinh-su-the-hien-tinh-than-nhan-van-nhan-dao-2390729.html
Zalo