Thủ tướng ra thông điệp '6 tăng, 6 giảm, 6 tăng tốc, bứt phá' với ngành ngân hàng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu hệ thống ngân hàng thực hiện '6 tăng, 6 giảm, 6 tăng tốc, bứt phá' để cùng đất nước phát triển.
Chiều 21/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 13 ngân hàng thương mại cổ phần lớn trong cả nước.
Hội nghị nhằm tiếp tục đánh giá chính sách tiền tệ, nhất là trong ưu tiên cho tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngân hàng chia sẻ lợi ích và rủi ro với doanh nghiệp
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng, trong đó có các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, thời gian qua đã góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự; đồng thời lưu ý, các doanh nghiệp nói chung và các ngân hàng thương mại cổ phần nói riêng phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật, không trốn thuế; mong muốn các ngân hàng mại cổ phần tiếp tục đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, Nhân dân vượt qua các khó khăn, thách thức mà cả thế giới cũng đang phải trải qua, cũng như khó khăn nội tại của đất nước, nhất là sau đợt thiên tai vừa qua.
Nêu một số khó khăn, hạn chế mà ngân hàng thương mại phải đối mặt, Thủ tướng yêu cầu, để giải quyết một số khó khăn liên quan việc thu hồi nợ, tài sản bảo đảm cho vay, phạt chậm nộp thuế… từ nay đến 25/9, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính báo cáo, đề xuất Chính phủ, Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến thành viên Chính phủ để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 8 sắp tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra một số bài học kinh nghiệm: Luôn bám sát tình hình, diễn biến thực tế, đề xuất phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; các ngân hàng hoạt động theo pháp luật và cần tiếp tục góp ý để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; luôn đồng hành, chia sẻ và thấu hiểu những khó khăn của doanhh nghiệp, cùng doanh nghiệp đưa ra các giải pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các bên cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Phân tích tình hình thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành khi xử lý công việc phải với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, cùng doanh nghiệp giải quyết với tinh thần "5 rõ": Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm và rõ sản phẩm.
Thủ tướng yêu cầu hệ thống ngân hàng thực hiện "6 tăng", "6 giảm", "6 tăng tốc, bứt phá".
Theo đó, "6 tăng" gồm: Tăng năng lực của tổ chức tín dụng ngân hàng, trong đó có các NHTM cổ phần tư nhân; tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới; tăng cường tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, của thị trường tài chính; tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen; tăng cường giám sát, kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực.
"6 giảm" gồm: Giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý; giảm chi phí giao dịch, hoạt động; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà, sách nhiễu; giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, "sân sau" và giảm nợ xấu…
"6 tăng tốc, bứt phá" gồm: Tăng tốc, bứt phá về số hóa; tăng tốc, bứt phá chất lượng dịch vụ; tăng tốc, bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực; tăng tốc, bứt phá về hạ tầng ngân hàng; tăng tốc, bứt phá về phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế; tăng tốc, bứt phá về vươn ra thị trường quốc tế.
Tăng cường năng lực của các tổ chức tín dụng, ngân hàng
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước triển khai ngay các nhiệm vụ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu thiệt hại do bão lũ; phối hợp với UBND các địa phương trong việc thực hiện các giải pháp để hỗ trợ người dân bị thiệt hại, các khu vực bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra; nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng…; tổ chức triển khai các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024 và các nhiệm vụ cho cả giai đoạn.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại cổ phần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả nhằm đạt mục tiêu định hướng 15% đã đề ra, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, quyết liệt các giải pháp nhằm giảm lãi suất cho vay.
Tiếp tục theo dõi việc thực hiện công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng của các tổ chức tín dụng; chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng, như chương trình 140.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và các chương trình tín dụng chính sách khác.
Ngân hàng Nhà nước phải triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, trong đó đặc biệt là việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định, đảm bảo thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi; triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong hoạt động ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt.
Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn mạnh nhất trong khu vực châu Á.
Tiếp tục chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; tích cực tham gia thực hiện công tác an sinh xã hội; tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, thực chất, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, xem xét giảm thêm lãi suất cho vay.
Triển khai hiệu quả, thực chất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định; phối hợp với các đơn vị liên quan nắm bắt đầy đủ, chính xác thông tin cần thiết về khách hàng vay vốn để nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, để phòng ngừa từ sớm, từ xa các tiêu cực, hệ lụy có thể xảy ra.