Thủ tướng Phạm Minh Chính với 30 giờ trên 'đất nước triệu voi'

Theo đặc phái viên TTXVN, chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết thúc tốt đẹp.

Lễ tiễn Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay Quốc tế Wattay, thủ đô Vientiane. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Lễ tiễn Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay Quốc tế Wattay, thủ đô Vientiane. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Lào, đánh dấu việc khép lại thành công “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Lào và lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đón thăm trong năm 2023.

Kết quả chuyến thăm cho thấy quan hệ truyền thống gắn bó, tin cậy, thủy chung, trong sáng, hiếm có trên thế giới giữa hai nước Việt Nam – Lào đang được làm sâu sắc hơn.

Chỉ vỏn vẹn 30 giờ trên "đất nước triệu voi", Thủ tướng Phạm Minh Chính có gần 20 hoạt động khác nhau. Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, tới chào Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane, thăm các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone tham dự, chủ trì các sự kiện quan trọng của hai nước như: Tổng kết "Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022"; Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào; dự Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào...

Lễ tiễn Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay Quốc tế Wattay, thủ đô Vientiane. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Lễ tiễn Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay Quốc tế Wattay, thủ đô Vientiane. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Ngay từ khi xuống sân bay cho tới khi rời đất nước Lào tươi đẹp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được Bạn chào đón trọng thị song đầy chân thành, ấm áp, có những cử chỉ, chi tiết hơn cả lễ tân ngoại giao thông thường. Trong các cuộc làm việc hay tiếp xúc bên lề, nhiều thành viên đoàn Việt Nam và phía Lào là bạn học, gặp nhau tay bắt, mặt mừng.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam và Lào đều khẳng định chính sách nhất quán của hai Đảng, hai nước là luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố, vun đắp quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào.

Trong các cuộc làm việc, hai bên nhất trí phối hợp triển khai tốt các thỏa thuận cấp cao; tiếp tục phát huy cao độ truyền thống hợp tác gắn bó, tin cậy giữa hai nước về chính trị, quốc phòng, an ninh; phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy triển khai có hiệu quả các thỏa thuận cấp cao; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác giữa các ban của Đảng, bộ, ngành của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận, các đoàn thể hai nước; tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; cùng hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả và kiên định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Thủ tướng và các lãnh đạo cấp cao của Lào nhất trí nỗ lực triển khai Thỏa thuận chiến lược hợp tác Việt – Lào giai đoạn 2021-2030, Hiệp định hợp tác song phương Việt - Lào 2021-2025 và các thỏa thuận, kế hoạch hợp tác đã ký trên các lĩnh vực; tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, các kênh để không ngừng củng cố quan hệ chính trị tin cậy đặc biệt và bền chặt; đẩy mạnh trao đổi lý luận chính trị; phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng.

Hai bên nhất trí tiếp tục không ngừng củng cố tin cậy chính trị; đẩy mạnh hợp tác an ninh quốc phòng; nâng tầm hợp tác kinh tế, hỗ trợ nhau phục hồi sau đại dịch COVID-19, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả và cùng ủng hộ, hỗ trợ nhau đối với các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Điều Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính băn khoăn là quan hệ hợp tác Việt Nam – Lào là quan hệ đặc biệt, có một không hai trên thế giới; “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, song quan hệ về kinh tế phát triển chưa tương xứng, trong khi dư địa còn rất lớn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính rời thủ đô Vientiane. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính rời thủ đô Vientiane. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Do đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chính phủ hai nước phải hoàn thiện thể chế và thực hiện nhất quán về chính sách để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư; giữ vững ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, phù hợp với từng giai đoạn; đối với những lĩnh vực khuyến khích phát triển cần có cơ chế chính sách khuyến khích, ưu tiên. Trong hợp tác kinh tế phải dựa trên quan điểm “hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp” và với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Hai bên nhất trí tiếp tục nâng tầm hợp tác kinh tế; hỗ trợ nhau phục hồi sau đại dịch, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả; tiếp tục phối hợp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường kết nối hiệu quả giữa hai nền kinh tế, kể cả kết nối cứng về hạ tầng giao thông, viễn thông, năng lượng…, cũng như kết nối hạ tầng mềm về thể chế, chính sách, thương mại điện tử, kinh tế số, tài chính, ngân hàng…

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị và được phía Bạn nhất trí là trong năm 2023 tập trung xử lý dứt điểm các tồn đọng để từ năm 2024 trở đi tập trung có trọng tâm, trọng điểm thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả hơn.

Thủ tướng và các nhà lãnh đạo Lào nhất trí tiếp tục duy trì tăng trưởng thương mại ổn định ít nhất 10-15% mỗi năm; không ngừng mở rộng hợp tác đầu tư, trong đó quan tâm thúc đẩy đầu tư vào các dự án ở các tỉnh giáp biên; tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác về tư pháp, khoa học công nghệ, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương, nhất là các tỉnh giáp biên.

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thông tin truyền thông; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo; chú trọng hợp tác đào tạo cán bộ các cấp, nhất là cán bộ nguồn. Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo Lào đều quan tâm, mong muốn tăng cường tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ hai nước về truyền thống quan hệ đặc biệt Việt – Lào để vun đắp quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào.

Thủ tướng Phạm Minh Chính về đến Hà Nội, kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Lào. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính về đến Hà Nội, kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Lào. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Ngay trong chuyến công tác này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên đã ký kết 10 văn kiện hợp tác quan trọng liên quan đến tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải, ngoại giao kinh tế, khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, y tế...

Những chương trình hợp tác cụ thể này góp phần thiết thực cụ thể hóa chủ trương của hai Đảng, hai Nhà nước và mong muốn của nhân dân hai nước; tạo khuôn khổ quan trọng cho việc làm sâu sắc hơn quan hệ hợp trên mọi lĩnh vực, giúp đỡ nhau để phát triển kinh tế-xã hội, đem lại lợi ích thực sự cho người dân của hai quốc gia trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phấn khởi khẳng định “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022 đã thành công rực rỡ, góp phần tạo không khí hân hoan, sôi nổi và tiếp thêm xung lực cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam phát triển ngày càng sâu rộng và hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng trong thời gian tới mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện, gắn bó, tin cậy giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào sẽ tiếp tục được củng cố, tăng cường, đơm hoa, kết trái.

Phạm Tiếp (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/thu-tuong-pham-minh-chinh-voi-30-gio-tren-dat-nuoc-trieu-voi-20230112162641712.htm
Zalo