Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh có tầm nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn

Chiều 4-1, dự Hội nghị công bố Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn. Việc triển khai thực hiện Quy hoạch không phải là nhiệm vụ của riêng Thành phố Hồ Chí Minh mà là nhiệm vụ của cả vùng, cả nước.

Dự hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; các bộ trưởng, lãnh đạo ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1711/QĐ-TTg ngày 31-12-2024, tầm nhìn đến năm 2050 Thành phố là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh.

Quy hoạch đã cụ thể hóa Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ; Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030; Nghị quyết số 131 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố.

Thủ tướng trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chỉ rõ một số nội dung cụ thể về tổng thể quy hoạch, đồng thời đánh giá Quy hoạch đã được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học. Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; bám sát thực tiễn; phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn của Thành phố...

Theo Thủ tướng, Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh được khái quát bằng 2 hành lang; 3 tiểu vùng; 9 trục không gian chủ đạo và 1 trục không gian ven biển; cấu trúc không gian đa trung tâm; khai thác tối đa không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.

Trong đó, 2 hành lang gồm: Hành lang quốc gia đoạn đi qua Thành phố Hồ Chí Minh; hành lang vùng sông Đồng Nai - Sài Gòn - Thị Vải - Soài Rạp. Ba tiểu vùng gồm: Tiểu vùng khu vực đô thị trung tâm; Tiểu vùng thành phố Thủ Đức; Tiểu vùng khu vực ngoại thành; hình thành và phát triển cấu trúc không gian đa trung tâm.

Thành phố cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 tiên phong". Trong đó, “1 trọng tâm” là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng; đột phá vào các động lực tăng trưởng mới kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

“Hai tăng cường” là: Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tiếp đó là tăng cường kết nối Thành phố với vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua kết nối hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi, kết nối thị trường.

“Ba tiên phong” gồm: Tiên phong phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm về giao thông, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội, thể thao, hạ tầng cứng, hạ tầng mềm; tiên phong đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị; tiên phong đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và giữ chân nhân tài phục vụ phát triển nhanh và bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

Thủ tướng yêu cầu Thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành; phấn đấu tăng trưởng năm 2025 đạt hai con số.

Thủ tướng chỉ đạo xây dựng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh hiện đại, thông minh, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực. Đồng thời mạnh dạn thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách, nhất là đối với các dự án có tính chất động lực như Trung tâm tài chính quốc tế, Cảng Cần Giờ, giao thông kết nối với Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, mạng lưới đường sắt đô thị, theo hướng đầu tư tập trung, không dàn trải.

Cùng với đó, phải phát triển mạnh mẽ văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chăm sóc sức khỏe, xây dựng con người của Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó cần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả quản trị đô thị; phổ biến, quán triệt quy hoạch sâu rộng để mọi người hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần "Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân thụ hưởng".

Cho rằng, việc thực hiện quy hoạch không phải là nhiệm vụ của riêng Thành phố Hồ Chí Minh mà là nhiệm vụ của cả vùng, cả nước, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ sẽ luôn sát cánh, đồng hành cùng Thành phố, với cam kết “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được hưởng thành quả thật”; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện theo tinh thần này.

TTXVN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thu-tuong-pham-minh-chinh-quy-hoach-thanh-pho-ho-chi-minh-co-tam-nhin-xa-trong-rong-nghi-sau-lam-lon-810054
Zalo