Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải yêu quý cây lúa như bản thân mình

'Phải yêu quý cây lúa như yêu quý chính bản thân mình, như những gì mình yêu quý nhất trong cuộc đời, từ đó mới tạo ra được cuộc cách mạng cho cây lúa...', Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về định hướng phát triển lúa chất lượng cao.

Chiều 15/10 tại Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy triển khai thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Đề án).

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Hiệu quả bước đầu của Đề án

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam cho biết, Đề án đã được triển khai 7 mô hình thí điểm trên địa bàn 5 tỉnh, thành. Báo cáo từ 4/7 mô hình vụ Hè Thu 2024 cho thấy, giảm chi phí 20-30% (giảm trên 50% lượng giống, giảm trên 30% lượng phân đạm, giảm 2-3 lần phun thuốc, giảm khoảng 30-40% lượng nước tưới); tăng năng suất 10% so với canh tác truyền thống (cao hơn khoảng 6 tạ/ha).

Mô hình giúp tăng thu nhập cho nông dân thêm 20-25% (tăng thêm từ 4 - 7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống), giảm trung bình 5-6 tấn CO2 tương đương trên 1 ha. Tất cả lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu, với giá mua cao hơn lúa khác 200 - 300 đồng/kg.

Với kết quả bước đầu khả quan của các mô hình thí điểm, Bộ NN&PTNT đã thống nhất với các địa phương nhân rộng các mô hình ra toàn bộ 12 tỉnh thành ĐBSCL ngay vụ lúa cuối năm nay và đầu năm tới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam báo cáo tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam báo cáo tại hội nghị.

Dù ghi nhận hiệu quả tích cực từ mô hình thí điểm, nhưng Bộ NN&PTNT cũng chỉ ra những khó khăn khi triển khai Đề án, khi Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện chương trình sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn.

Ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng nêu một số khó khăn như tác động xấu của biến đổi khí hậu, diện tích đất sản xuất lúa ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa và thực hiện xây dựng các công trình, dự án; các hình thức tổ chức liên kết nông dân chưa phát triển ổn định, bền vững, nhiều vùng sản xuất lúa chất lượng cao chưa đảm bảo đầy đủ các tiêu chí đã ban hành...

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đề nghị Bộ NN&PTNT điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ các bên tham gia Đề án (nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp); các chính sách khác cho hộ nông dân trồng lúa; hoàn thiện quy trình thực hiện chi trả tín chỉ các-bon dựa vào kết quả cho vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

“Phải yêu quý cây lúa như bản thân mình”

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh, đánh giá cao những kết quả bước đầu của Đề án.

Thủ tướng lưu ý, quá trình thực hiện còn những khó khăn vướng mắc. Trong đó, về nhận thức và hành động, còn có những ý kiến khác nhau về sự cần thiết và hiệu quả của Đề án...

Thu hoạch lúa tại mô hình thí điểm Đề án ở Cần Thơ.

Thu hoạch lúa tại mô hình thí điểm Đề án ở Cần Thơ.

Thủ tướng nêu các vấn đề mang tính định hướng và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đẩy mạnh triển khai Đề án thời gian tới.

Thủ tướng cho rằng: "Phải yêu quý cây lúa như yêu quý chính bản thân mình, như những gì mình yêu quý nhất trong cuộc đời, từ đó mới tạo ra được cuộc cách mạng cho cây lúa. Huy động, đa dạng hóa nguồn lực; sử dụng nguồn lực khoa học, hiệu quả, xóa bỏ cơ chế xin - cho bao cấp, bỏ thủ tục hành chính rườm rà, nguồn lực phải đến tận cơ sở sản xuất, đến tận nông dân", Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương liên quan quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định, phát triển lâu dài; xây dựng thương hiệu lúa phân khúc chất lượng cao, đa dạng thị trường; xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, thể chế ưu tiên, phù hợp để thực hiện. Cùng đó, huy động vốn, lập quỹ hỗ trợ đề án để sử dụng nhanh, không phải qua nhiều thủ tục. Phát triển doanh nghiệp, kết nối với hợp tác xã, hộ nông dân, cơ sở sản xuất kinh doanh để tiêu thụ, phát triển nhiều sản phẩm lúa gạo.

“Không thể quên sức mạnh của nhân dân, huy động người dân tham gia, mang lại lợi ích tinh thần và vật chất cho người dân", Thủ tướng lưu ý và thống nhất việc lập Ban chỉ đạo liên ngành của Đề án, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Trưởng ban.

Thủ tướng tiếp tục nhắc lại "tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi, đã nói là làm, đã làm là có sản phẩm", trong triển khai Đề án.

Cảnh Kỳ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-phai-yeu-quy-cay-lua-nhu-ban-than-minh-post1682706.tpo
Zalo