Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị về xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững

Chiều 22/10, Thủ tướng dự và phát biểu tại Hội nghị Halal 'Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững'.

Chiều 22/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Halal ‘Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững’. Hội nghị do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Tham dự sự kiện, về phía Việt Nam có ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)… đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố Trung ương, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm Halal.

Về phía khách mời và đối tác quốc tế có các Đại sứ, Đại biện, các cơ quan quản lý Halal của 20 nước trên thế giới.

Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất về Halal lần đầu tiên được tổ chức kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” ngày 14/2/2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Halal ‘Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững’. Ảnh: Tuấn Anh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Halal ‘Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững’. Ảnh: Tuấn Anh

Khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong nhiều năm qua, các sản phẩm và dịch vụ Halal ngày càng phổ biến và được ưa chuộng sử dụng trên toan cầu, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo. Có được điều này là do các sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về an toàn thực phẩm, xanh, sạch, phát triển bền vững. “Điều này mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam, quốc gia xuất khẩu đa dạng các sản phẩm trên nhiều lĩnh vực.

Ngành Halal Việt Nam ngày càng được quan tâm phát triển, đặc biệt, năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm Halal Việt Nam.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài nước để xây dựng hệ sinh thái Halal Việt Nam bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Việt Nam mong muốn được hợp tác với các đối tác để xây dựng ngành Halal Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Tuấn Anh

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Tuấn Anh

Cũng tại sự kiện, Chủ tịch Cơ quan chứng nhận Halal Ấn Độ TS. Mohamed Jinna cho hay, nền kinh tế Halal toàn cầu trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD, mang lại cơ hội vô cùng cho tăng trưởng kinh tế, mở rộng thương mại và thu hút đầu tư.

Đánh giá cao Việt Nam trong việc tạo ra các nền tảng cho hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực Halal, TS. Mohamed Jinna khẳng định, đây là con đường đầy tầm nhìn mà Việt Nam đã theo đuổi.

Ông nhấn mạnh: “Thật vinh dự và tự hào khi chứng kiến Việt Nam bước vào nền kinh tế Halal toàn cầu với sự quyết tâm và tầm nhìn xa như vậy”.

Để thực sự khai thác tiềm năng của thị trường này, TS. Mohamed Jinna cho rằng, Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về chứng nhận Halal. Các sản phẩm không chỉ cần các đáp ứng yêu cầu mà còn cần lấy được lòng tin của người tiêu dùng Hồi giáo trên toàn thế giới.

Chứng nhận Halal là cầu nối giữa Việt Nam và cộng đồng Hồi giáo toàn cầu - một cầu nối dẫn đến hoạt động thương mại, quan hệ đối tác và đầu tư chưa từng có.

Trước đó, theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao, đây là sự kiện quốc tế đầu tiên, có quy mô lớn nhất về Halal do Việt Nam tổ chức, có nhiều ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển ngành Halal và nền kinh tế Việt Nam, với sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của hơn 500 đại biểu đến từ 50 quốc gia là các thị trường Halal tiêu biểu trên thế giới.

Với chủ đề “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam”, Việt Nam mong muốn truyền tải thông điệp “cùng hợp tác và cùng phát triển” với các đối tác Halal trên thế giới nhằm phát huy tối đa các thế mạnh, lợi thế so sánh của Việt Nam để đóng góp thực chất cho sự phát triển chung của ngành Halal toàn cầu.

Đây là hội nghị đầu tiên đặt vấn đề phát huy, kết hợp giữa “nội lực” từ các tiềm năng, thế mạnh trong nước với “ngoại lực” đến từ việc phát huy hiệu quả hợp tác quốc tế để phục vụ phát triển ngành Halal Việt Nam toàn diện và bền vững. Phiên toàn thể và hai Phiên thảo luận của Hội nghị sẽ trao đổi, đánh giá toàn diện về tiềm năng, triển vọng, các thuận lợi, khó khăn trong phát triển ngành Halal tại Việt Nam.

Có thể nói, Hội nghị là “cơ hội vàng” để Việt Nam thúc đẩy giao lưu văn hóa, xây dựng niềm tin và tạo dựng quan hệ đối tác bền vững với các quốc gia Hồi giáo/phi Hồi giáo trên thế giới. "Thông qua hội nghị này, ngành Halal Việt Nam sẽ có những bước tiến quan trọng, hướng tới khẳng định vị thế vững chắc trên bản đồ Halal thế giới

Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tham gia sâu hơn vào thị trường Halal toàn cầu, với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của địa phương, doanh nghiệp" - lãnh đạo Bộ Ngoại giao nhận định.

Khánh An - Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-du-hoi-nghi-ve-xay-dung-nganh-halal-viet-nam-phat-trien-ben-vung-354041.html
Zalo