Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí

Sáng 25/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống lãng phí nhằm đánh giá những kết quả đạt được và đề ra nhiệm vụ trong thời gian tới, nhất là các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng, kéo dài. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí: Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống lãng phí tỉnh; Nguyễn Bích Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên BCĐ tỉnh; lãnh đạo và chuyên viên các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh.

Sau Hội nghị Trung ương 10, BCĐ Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được kiện toàn, bổ sung thêm chức năng về “phòng, chống lãng phí” và đổi tên thành BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, hành động quyết liệt để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn đang gây lãng phí nguồn lực của nền kinh tế. Trong đó, thành lập BCĐ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, cơ chế; giải quyết các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực của nền kinh tế, nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đất đai, năng lượng tái tạo, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nhà, đất tại các doanh nghiệp nhà nước, chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng thương mại yếu kém, xử lý toàn bộ 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương trước đây…

Với phương thức, cách làm quyết liệt, công cuộc phòng, chống lãng phí bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, phần nào giải quyết được một số tồn tại hạn chế, điểm nghẽn về lãng phí trong một số lĩnh vực.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, lãng phí vẫn còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển, nhất là trong các lĩnh vực như quản lý tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động... Những hạn chế này là một trong những nguyên nhân gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính; giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo; gây suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

Tại phiên họp, trên tinh thần "dám làm, dám chịu trách nhiệm", các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá đúng tình hình, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống lãng phí tại tất cả các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là việc sắp xếp tài sản, cơ sở vật chất, tránh lãng phí trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị: Các đơn vị, địa phương thống nhất, nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống lãng phí trong giai đoạn hiện nay trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Từ đó, quyết tâm, quyết liệt, biến nhận thức thành hành động, thể hiện qua những cam kết, kế hoạch, mục tiêu, giải pháp, kết quả cụ thể. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tìm ra nguyên nhân gây ra lãng phí. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính; giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tập trung rà soát các dự án dang dở, kéo dài ở nhiều địa phương, gây nhiều hệ lụy, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ hiệu quả. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành việc làm thường xuyên, liên tục, tự giác, tự nguyện, “như cơm ăn, nước uống hằng ngày”.

Các đơn vị, địa phương quán triệt sâu sắc 5 phương châm, phải xác định phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, không có giới hạn về mặt thời gian, không gian; phòng, chống lãng phí phải gắn kết chặt chẽ với việc tinh giản bộ máy, cơ cấu lại bộ máy, tăng cường phân cấp, phân quyền; gắn với sự phát triển, mục tiêu tăng trưởng, đổi mới, sáng tạo khoa học công nghệ và chuyển đổi số của đất nước để huy động nguồn lực truyền thống, phát huy được nguồn lực mới; đi đôi với thực hiện 3 nội dung đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực, kết cấu hạ tầng; gắn kết chặt chẽ với việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để sớm giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực, tạo chuyển biến mới, mạnh mẽ trong công tác phòng, chống lãng phí, giải phóng nguồn lực cho nền kinh tế.

An Lê

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-phien-hop-thu-nhat-ban-chi-dao-phong-chong-lang-phi-3175642.html
Zalo