Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính

Sáng 15/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ 8 của BCĐ. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ CCHC tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị, các huyện, Thành phố.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

6 tháng đầu năm, công tác CCHC tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai để tạo ra bước đột phá. Cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp, việc rà soát, xử lý vướng mắc, bất cập về CCHC đã được tích cực thực hiện, góp phần thúc đẩy CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng như: Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, xếp thứ 106 trong bộ chỉ số tự do kinh tế thế giới, tăng 4 bậc so với năm 2022; xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2022.

BCĐ ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 với 64 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Đến nay, các bộ, ngành hoàn thành 10/12 nhiệm vụ, đạt 83,3%; chưa hoàn thành, đang thực hiện 2/12 nhiệm vụ, đạt 16,7%; còn 52 nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành trong 6 tháng cuối năm. Các bộ, ngành, địa phương bám sát thực tiễn, chủ động, quyết tâm tổ chức thực hiện 3.009 nhiệm vụ được giao; đã ban hành 2.870 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt tổ chức thực hiện. Đến nay, hoàn thành 400/991 nhiệm vụ, đạt 40,36%; UBND các tỉnh, thành phố hoàn thành 1.327/3.009 nhiệm vụ, đạt 44,10%.

Các bộ, ngành thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 168 quy định kinh doanh tại 16 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay, 2.943 quy định kinh doanh tại 250 văn bản quy phạm pháp luật, đạt 18,6%. Thực hiện phân cấp 108 thủ tục hành chính (TTHC) tại 8 nghị định và 13 thông tư, nâng tổng số TTHC được phân cấp từ năm 2022 đến nay 261/699 TTHC. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa 40 TTHC nội bộ và phê duyệt theo thẩm quyền phương án đơn giản hóa 151 TTHC nội bộ; các địa phương phê duyệt phương án đơn giản hóa 861 TTHC. Các bộ, ngành đơn giản hóa 828 TTHC được giao tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, đạt 76%.

Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương tiếp tục có chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, từng bước có những kết quả cụ thể.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị thành viên BCĐ, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ CCHC có trọng tâm, trọng điểm, trong đó, đẩy mạnh thực hiện 5 nhiệm vụ: Rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn của thể chế, quy định, pháp luật nhằm huy động, “khơi thông” mọi nguồn lực thực hiện nhiệm vụ CCHC. Lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm trong CCHC; tăng cường công tác đối thoại, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, phát hiện và xử lý những vấn đề mới, chưa có tiền lệ nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ người dân mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập. Tập trung xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng văn hóa công sở, đạo đức công vụ, nâng cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân trực tiếp thực thi công vụ, chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí. Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, công dân số, xã hội số, số hóa hồ sơ, số hóa cơ sở dữ liệu, phối hợp khai thác chia sẻ dữ liệu; thanh toán không dùng tiền mặt tại các địa phương; chống tiêu cực, tham nhũng trong sử dụng tài chính công; giảm chi phí tuân thủ cho người dân...

T.A

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-phien-hop-thu-8-cua-ban-chi-dao-cai-cach-hanh-chinh-3170647.html
Zalo