Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị rút kinh nghiệm công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão Yagi
Sáng 28/9, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3 với 26 điểm cầu các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch các tập đoàn kinh tế Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước; lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Bão số 3 là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt chưa từng có trong rất nhiều năm qua ở khu vực Bắc Bộ; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm như bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên diện rộng. Thiên tai đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du, khu vực miền núi. Ngay sau khi xảy ra thiên tai, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã trực tiếp đến khu vực bị ảnh hưởng của mưa, lũ, bão để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành chủ động phối hợp với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân đồng loạt triển khai các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ, cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân vùng thiên tai. Ngày 17/9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Thủ tướng biểu dương sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự phối kết hợp của các bộ, ngành, địa phương; sự chung tay của doanh nghiệp và người dân; "tình dân tộc, nghĩa đồng bào” được lan tỏa...
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bão số 3 đổ bộ với cường độ mạnh, kèm theo mưa lớn kéo dài đã gây ra những thiệt hại, tổn thất nghiêm trọng về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Tính đến ngày 27/9, theo báo cáo của các địa phương, tổng thiệt hại về kinh tế ban đầu ước trên 81.503 tỷ đồng.
Với quyết tâm không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; không để ai bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trích dự phòng ngân sách trung ương, xuất cấp gạo từ dự trữ quốc gia (350 tỷ đồng và 432,585 tấn gạo) để các địa phương, cơ quan hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại và cứu trợ cho người dân có nguy cơ thiếu đói; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người bị nạn theo chế độ, chính sách hiện hành; tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; bố trí chỗ ở tạm cho hộ bị mất nhà ở. Nhiều đoàn công tác của Trung ương, địa phương, tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ với tổng kinh phí 432,980 tỷ đồng, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khôi phục nhà ở. Chiều ngày 21/9 tỉnh Lào Cai đã bàn giao 25 căn nhà tạm cư mới cho các hộ dân bị mất nhà và khởi công xây dựng, tái thiết khu dân cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên và triển khai thực hiện 4 dự án bố trí dân cư tập trung cho 299 hộ.
Tính đến ngày 25/9, các địa phương đã khắc phục, sửa chữa xong toàn bộ 9.235 trạm BTS bị sự cố, dịch vụ khách hàng đã được khôi phục; cơ bản đã hoàn thành khắc phục sự cố về hệ thống điện và cấp điện trở lại cho 99,7% khách hàng; vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; khắc phục sự cố các cơ sở y tế để duy trì công tác tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho người bệnh; hỗ trợ sách, vở, đồ dùng học tập, vệ sinh trường lớp và bố trí địa điểm cho học sinh đi học trở lại; huy động lực lượng, vật tư, phương tiện xử lý giờ đầu 796 sự cố trên các tuyến đê. Các tổ chức, cá nhân cũng đã ủng hộ, chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương với tổng số tiền là 1.764,0 tỷ đồng (đã phân bổ 1.035 tỷ đồng/26 tỉnh, thành phố); Ban Vận động cứu trợ cấp tỉnh, thành phố của 26 địa phương đã tiếp nhận 1.654,3 tỷ đồng... Các quốc gia và tổ chức quốc tế cũng đã cam kết hỗ trợ trên 22 triệu USD cho Việt Nam để khắc phục hậu quả thiên tai... Hiện, Bộ NN&PTNT cũng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 10.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 cho các địa phương hỗ trợ dân sinh, sửa chữa, tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi, nhất là các công trình xung yếu; tu sửa, khắc phục đường giao thông, cơ sở y tế, giáo dục, phục hồi sản xuất nông nghiệp, sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi đến nơi an toàn...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả bão và mưa lũ sau bão số 3 vẫn còn những khó khăn, tồn tại nhất định. Thiệt hại về người rất lớn. Các kịch bản, phương án ứng phó với những tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng, khu vực vùng sâu, vùng xa khi bị chia cắt,... chưa bài bản, chưa phù hợp thực tế. Việc cảnh báo tác động, nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ chưa cụ thể, dẫn đến tư tưởng chủ quan trong ứng phó. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là khi xảy ra tình huống ở vùng sâu, vùng xa, trong điều kiện thời tiết phức tạp như gió bão, mưa lũ lớn, sạt lở chia cắt. Chưa có bản đồ nguy cơ sạt lở đất lũ quét tới từng thôn, bản. Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng còn một số tồn tại, bất cập. Ngập lụt diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, trên diện rộng tại nhiều địa phương, khả năng thoát lũ các tuyến sông, suối chậm, gây ngập úng kéo dài...
Vì vậy, để sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất sau bão lũ, đồng thời có giải pháp căn cơ lâu dài, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ 6 nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi). Trước mắt, tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích tại sự cố cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và mất tích do lũ, lũ quét, sạt lở đất (Lào Cai, Cao Bằng,…); tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, bố trí sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi đến nơi an toàn, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân ở nơi ở mới; rà soát, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi ở các vùng, các địa phương theo hướng thuận thiên, hiệu quả, bền vững hơn, an toàn trước thiên tai; xây dựng, lắp đặt các trạm cảnh báo lũ quét tự động tại những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét. Xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai chi tiết đến các không gian bị chia cắt, các vùng ngập trong đô thị. Lấy mực nước cao nhất để làm cơ sở quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch hệ thống đê điều, thủy lợi. Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy hoạch và xây dựng cho vùng rủi ro thiên tai; tu bổ, nâng cấp, cải tạo hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi, nhất là các trọng điểm đê điều xung yếu; củng cố, nâng cấp các tuyến đê sông, đê biển bảo đảm chống chịu được với các trận bão rất mạnh và khi lũ trên sông vượt lịch sử; tu bổ, nâng cấp công trình cơ sở hạ tầng bảo đảm sức chống chịu với thiên tai, nhất là hạ tầng điện, viễn thông.
Quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng lấn chiếm lòng sông, suối, bạt sườn dốc làm gia tăng rủi ro thiên tai; rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là đối với các cầu yếu trên tuyến đường bộ, đường sắt huyết mạch để có phương án đầu tư sửa chữa, gia cố, nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới bảo đảm yêu cầu phòng chống, ứng phó với các tình huống thiên tai, bão lũ xảy ra trong thời gian tới. Đồng thời, nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đê điều, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm, kiến nghị chính quyền các cấp xử lý theo quy định của pháp luật, nhất là xử lý tình trạng khai thác cát trái phép ảnh hưởng đến an toàn đê điều. Tăng cường, chủ động hợp tác quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai, nhất là chuyển đổi số, theo dõi, giám sát thiên tai theo thời gian thực...
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá nguyên nhân những hạn chế, tồn tại, bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3; đồng thời, đề xuất một số giải pháp trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới như: điều chỉnh nguồn lực đầu tư công để khắc phục hậu quả của bão lũ (trong tình huống khẩn cấp); quan tâm đầu tư thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn hiện đại và chuyên nghiệp hơn; công tác dự báo trước, trong và sau bão cần chính xác hơn; ưu tiên nguồn lực đầu tư khắc phục về cơ sở hạ tầng đối với những địa phương bị thiệt hại nặng nề...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Với sự lãnh đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phản ứng kịp thời, hiệu quả, từ sớm, từ xa, trực tiếp tại hiện trường của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ, đồng hành của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, đồng bào trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài,… đã hạn chế tối đa thiệt hại và khẩn trương khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ. Đặc biệt, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã đóng góp nguồn lực hỗ trợ người dân từng bước ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất sau thiên tai.
Bão số 3 đi qua đã gây ra những thiệt hai, tổn thương nghiêm trọng về người và tài sản, nhưng cũng để lại những bài học lớn về công tác tổ chức, chỉ đạo phối hợp liên ngành trong phòng, chống thiên tai từ trung ương đến địa phương. Đó là việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để chủ động trong chỉ đạo điều hành. Việc vận dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với đặc điểm từng địa phương; phát huy vai trò lực lượng xung kích cơ sở; nhất là người đứng đầu. Công tác phối hợp chỉ đạo, điều phối liên ngành là yếu tố quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai...
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, Thủ tướng yêu cầu cần rà soát, điều chỉnh thể chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội để xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.
Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, địa phương biểu dương khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể làm tốt; đồng thời, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, lợi dụng thiên tai để trục lợi. Yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với tỉnh Phú Thọ khẩn hoàn thiện xây dựng xong cầu Phong Châu, chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành.