Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân

Sáng 31/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: 'Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới'.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành trong cả nước với 4.500 đại biểu, trong đó có trên 2.000 nông dân và đại diện các hợp tác xã.

Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Thường trực Hội Nông dân (HND) tỉnh, các huyện, Thành phố; lãnh đạo một số sở, ngành; các hợp tác xã đầu tư lĩnh vực nông nghiệp và các hộ nông dân tiêu biểu.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh chủ trì tại điểm cầu tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh chủ trì tại điểm cầu tỉnh.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân là một hoạt động thường niên do Trung ương HND Việt Nam chủ trì tổ chức từ năm 2018 đến nay. Qua 5 lần tổ chức đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo khí thế, động lực đến bà con nông dân, hợp tác xã cả nước trong tập trung sản xuất, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Trước khi diễn ra Hội nghị, Trung ương HND Việt Nam tổ chức nhiều kênh tiếp nhận câu hỏi, ý kiến, đề xuất của bà con nông dân, các hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Có khoảng 2.000 câu hỏi, ý kiến, đề xuất được gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tại hội nghị, nhiều câu hỏi của nông dân được đặt ra để đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ; nhiều vấn đề cụ thể về từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương cơ bản được thảo luận, thống nhất, nhiều vấn đề lớn cần có quyết sách, chính sách thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng quy hoạch các vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường đối với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia. Cơ chế, chính sách để hướng tới mục tiêu Netzero, triển khai Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải; phát triển tín chỉ carbon.

Cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, các hợp tác xã tại các vùng chuyên canh, nhất là đối với người trồng lúa; hỗ trợ thúc đẩy tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn; chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp. Giải quyết và tháo gỡ những hàng rào kỹ thuật, các tranh chấp pháp lý quốc tế, đảm bảo hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, ổn định thị trường xuất khẩu hàng hóa nông sản. Chính sách về tiếp tục khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt đối với các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa chịu ảnh hưởng do thiên tai và cơn bão Yagi.

Đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn. Phát triển văn hóa, du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân…

Với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm, đổi mới, một số vấn đề được Thủ tướng trực tiếp đối thoại, giải đáp ngay tại hội nghị. Một số vấn đề Thủ tướng chỉ đạo, giao cho lãnh đạo các bộ, ngành liên quan giải đáp; xây dựng giải pháp theo lộ trình, bảo đảm tính hiệu quả, bền vững.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” là khát vọng rất lớn, phải thực hiện bằng được. Đề nghị các cấp chính quyền và người dân tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, ưu tiên phát triển; việc tháo gỡ nút thắt phải xuất phát từ thực tiễn. Quan tâm xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Rà soát lại Luật Đất đai để phát huy tối đa và hiệu quả cao nhất trong việc sử dụng đất. Thực hiện liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường. Khai thác hiệu quả không gian biển, không gian vũ trụ, không gian ngầm trong phát triển nông nghiệp.

Xây dựng các gói tín dụng ưu đãi để khuyến khích người nông dân; phát triển doanh nghiệp để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; liên kết giữa doanh nghiệp - nông thôn và người nông dân chặt chẽ. Phát triển thị trường các sản phẩm nông nghiệp; mở rộng các thị trường xuất khẩu. Người nông dân sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm “sạch - đẹp - bắt mắt - thuận tiện cho người sử dụng”.

Các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học cùng chung tay nghiên cứu, hướng dẫn người dân trong xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm. Phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu trong sản xuất nông nghiệp. Xây dựng nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp có chất lượng cao. Khai thác sức mạnh của văn hóa trong phát triển nông nghiệp; kêu gọi thu hút các nhà đầu tư trong phát triển văn hóa nông nghiệp, gắn với phát triển du lịch. Hệ thống chính trị ở cở sở phải luôn nắm bắt tư tưởng của người nông dân; tích cực tuyên truyền các cơ chế, chính sách mới đến người nông dân; đồng thời đề xuất cơ chế chính sách xuất phát từ thực tiễn…

Xuân Thương

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-hoi-nghi-doi-thoai-voi-nong-dan-3174612.html
Zalo