Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bình tĩnh trước chính sách thuế của Mỹ
Trước lo lắng của cộng đồng doanh nghiệp về chính sách thuế mới từ Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phải bình tĩnh, không hoang mang lo sợ. Đây là lúc tái cơ cấu nền kinh tế, mở rộng thị trường và tăng cường đàm phán để thích ứng linh hoạt với tình hình mới. Chúng ta sẵn sàng đàm phán, không đối đầu, linh hoạt nhưng kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia.
Sáng 21/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ có buổi tiếp xúc cử tri là đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Cần đối sách rõ ràng
Tại buổi tiếp xúc, bà Lê Thanh Trúc - Phó Giám đốc Hợp tác xã Kim Hưng (chuyên xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình, cói...) cho biết, hơn 80% sản phẩm của hợp tác xã xuất sang Mỹ, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ.
Tuy nhiên, Mỹ đã áp mức thuế quá cao, ở mức cơ bản 10% và 46% đối ứng. Các mặt hàng bị ảnh hưởng gồm: Lúa gạo, thủy sản, thực phẩm, nhôm và thủ công mỹ nghệ... đều là thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
“Mức thuế vào Mỹ tăng đột ngột, khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, giảm sức cạnh tranh, ảnh hưởng tới việc làm và thu nhập người lao động”, bà Trúc nói, đồng thời kiến nghị Chính phủ sớm đàm phán với đối tác để đưa thuế về mức hợp lý, có chiến lược rõ ràng để phát triển các ngành mũi nhọn vùng ĐBSCL.
Cử tri Phan Hoàng Duy - Phó Tổng giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Biển Vàng (CASK MEX, chuyên xuất khẩu cá da trơn) cho biết, hơn 50% kim ngạch của doanh nghiệp đến từ thị trường Mỹ. “Chúng tôi đánh giá cao phản ứng nhanh của Chính phủ trước các chính sách thuế mới từ Mỹ. Tuy nhiên, xu hướng áp thuế đối ứng đang gia tăng, cần được đánh giá cụ thể và có đối sách rõ ràng”, ông Duy nhấn mạnh.
Ông Duy kiến nghị, sớm có đánh giá tác động của thuế đối ứng theo từng ngành hàng, thúc đẩy đa dạng hóa thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh để đảm bảo xuất khẩu bền vững.

Cử tri Phạm Thái Bình – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, nêu ý kiến. Ảnh: Nhật Huy.
Ông Phạm Thái Bình – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho biết, doanh nghiệp hiện xuất khẩu gạo chất lượng cao vào các thị trường khó tính như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, UAE... và nhận được hỗ trợ tốt về tín dụng.
Tuy nhiên, trước chính sách thuế mới từ Mỹ, ông Bình cảnh báo, nguy cơ ảnh hưởng tới ngành gạo, dù hiện chưa chịu tác động trực tiếp. Ông đề nghị Chính phủ có giải pháp ứng phó sớm và chủ động đàm phán nhằm bảo vệ ngành hàng chiến lược này.


Các cử tri là doanh nghiệp, doanh nhân nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri.
Cần Thơ có cơ chế đặc thù nhưng tăng trưởng thấp
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, nhiều ý kiến “trúng, đúng, gợi mở cách làm hay, sáng tạo” từ các cử tri, đặc biệt doanh nghiệp.
Với Cần Thơ, tăng trưởng đứng thứ 41/63 cả nước, xếp thứ 6/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Dù có cơ chế đặc thù, tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, không thể để nơi có cơ chế đặc thù lại phát triển chậm hơn các địa phương khác không có đặc thù. “Phải khắc phục. Tôi là đại biểu Quốc hội của Cần Thơ, để tình hình như hiện nay là trách nhiệm của tôi!”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu TP. Cần Thơ phải tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp tăng trưởng hai con số, thúc đẩy sản xuất, phát triển xuất khẩu và hạ tầng. Việc nào làm phải dứt điểm việc đó, chất lượng, không đội vốn.
Thủ tướng cũng nhắc tới hàng loạt dự án chậm tiến độ Cần Thơ như: “Bệnh viện Ung bướu làm mãi chưa xong, khu công nghiệp VSIP còn đang san lấp mặt bằng. Giải phóng mặt bằng không xong, doanh nghiệp sao làm được?”, và yêu cầu rà soát toàn bộ các dự án kéo dài gây lãng phí.

Thủ tướng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.
Trước những biến động từ chính sách thuế mới của Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Việt Nam cần giữ bình tĩnh, không hoang mang, chủ động tái cơ cấu nền kinh tế, mở rộng thị trường và tăng cường đàm phán để thích ứng linh hoạt với tình hình mới".
Thủ tướng cho biết, chính sách thuế của Mỹ đang tác động mạnh đến hoạt động thương mại, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng quyết liệt. Nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, nông sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử đang chịu ảnh hưởng rõ rệt. “Chính sách của các nước có thể thay đổi bất cứ lúc nào, điều quan trọng chúng ta phải chủ động, không lơ là, bị động”, Thủ tướng nói.
Theo người đứng đầu Chính phủ, đây là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, sạch, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai ba đột phá chiến lược: Hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, các bộ, ngành cần chủ động nghiên cứu, điều chỉnh chính sách, chuẩn bị phương án đàm phán với Mỹ và mở rộng thị trường sang các khu vực như Trung Đông, Trung Á, Nam Mỹ...
Thủ tướng cũng kêu gọi doanh nghiệp giữ vững niềm tin, chủ động cơ cấu lại sản xuất, tiết giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh. “Chúng ta sẵn sàng đàm phán, không đối đầu, linh hoạt nhưng kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia", Thủ tướng nêu quan điểm.
Liên quan kỳ họp Quốc hội sắp tới, Thủ tướng cho biết, sẽ bàn nhiều vấn đề trọng đại được xem xét, như sửa đổi Hiến pháp, xây dựng mô hình chính quyền hai cấp, tinh gọn bộ máy. “Việc này rất lớn, vượt ra khỏi thông lệ bình thường. Chuẩn bị tư tưởng thật tốt, khi có chủ trương triển khai ngay”, Thủ tướng nói thêm.
Về hạ tầng chiến lược, Thủ tướng thông tin, từ nay đến năm 2030, cả nước sẽ có 1.500km đường cao tốc, riêng trong năm 2025 sẽ hoàn thành 600km. Các dự án lớn như đường sắt TPHCM – Cần Thơ, cảng Hòn Khoai, trung tâm nhiệt điện Ô Môn, dự án đường dẫn khí lô B... đang được đẩy nhanh tiến độ.