Thủ tướng: Phải từ bỏ tư duy không quản được thì cấm, không biết vẫn quản
Nhắc lại yêu cầu của Tổng Bí thư về gỡ các điểm nghẽn thể chế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần dứt khoát bỏ tư duy không quản được thì cấm, không biết vẫn quản, nhằm giải phóng toàn bộ sức sản xuất, lao động.
Sáng 16-4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày những điểm mới trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày những điểm mới trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng. Ảnh: TUẤN MINH
Lấy con người làm trung tâm
Ông cho biết tình hình thế giới đang thay đổi rất nhanh, khó lường, khó định đoán, còn ở trong nước từ Hội nghị Trung ương 10 đến Hội nghị Trung ương 11 vừa qua đã có rất nhiều công việc được triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn đang diễn ra.
Trong đó có cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong điều kiện mới; phấn đấu tăng trưởng cao hơn hướng tới hai mục tiêu 100 năm (tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 và đạt 2 con số vào những năm tiếp theo) và vấn đề phát triển kinh tế tư nhân, phục vụ phát triển đất nước.
Liên quan đến tổng kết một số vấn đề thực tiễn và lý luận về công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN trong 40 năm qua ở Việt Nam, Thủ tướng nhìn nhận những điểm mới là bối cảnh, việc hoàn thiện CNXH và con đường đi lên CNXH. Những nội dung này cần dựa vào ba trụ cột chính là xây dựng nền dân chủ CNXH, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tiếp tục hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN do dân, vì dân và của dân; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy tinh thần làm chủ của người dân.
“Lấy con người làm trung tâm. Không hy sinh tiến bộ công bằng xã hội, an sinh xã hội… để chạy theo tăng trưởng đơn thuần” – Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định tăng trưởng thì phải bền vững.
“Những nội dung này cần được cập nhật vào Văn kiện Đại hội XIV” – Thủ tướng nhấn mạnh và nêu lại những thành tựu đã đạt được trong chặng đường 40 năm đổi mới. Dù vậy, ông cho rằng không được chủ quan vì con đường phía trước còn rất nhiều khó khăn. "Từ đầu nhiệm kỳ đến nay không có năm nào không khó khăn" – Thủ tướng Phạm Minh Chính nói và chia sẻ những khó khăn đã trải qua như dịch COVID-19, bão Yagi hay mới đây nhất là chiến tranh thương mại…
Đặc biệt, Người đứng đầu Chính phủ quán triệt cần quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu năm năm 2026 - 2030, rà soát, điều chỉnh một số chỉ tiêu, trong đó phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân cho giai đoạn 2026 - 2030 từ 10%/năm trở lên. GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 8.500 USD; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 8,5%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 40% GDP.
Thủ tướng nhấn mạnh bài học quan trọng nhất là tinh thần đoàn kết. Nhờ đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong nhân dân, đoàn kết quốc tế mà chúng ta làm được những điều to lớn có thể kể ra bằng số liệu.
Đó là đoàn kết của thế hệ sau với thế hệ trước, kế thừa, phát huy một cách có hiệu quả, tôn trọng thế hệ trước, những gì thế hệ trước làm là tiền đề, là khởi tạo cho thế hệ sau. Thế hệ sau phải đoàn kết, phải kế thừa và phát huy những thành quả của thế hệ trước. “Những vấn đề lớn, những vấn đề như chúng ta đưa ra vừa qua mà không đoàn kết thì không làm được” - Thủ tướng đánh giá.

Các đại biểu tham dự tại hội nghị. Ảnh: TUẤN MINH
Chuẩn bị tâm thế chủ động về chiến lược, không để bị động, bất ngờ
Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng cũng cần nắm bắt, theo dõi sát sao và có những có phản ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với tình hình trong nước và quốc tế.
Thủ tướng nhấn mạnh thời gian tới có khó khăn và cơ hội đan xen nhưng phải xác định thách thức nhiều hơn, điều quan trọng là phải luôn chuẩn bị tâm thế chủ động về chiến lược, không để bị động, bất ngờ .
“Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói phải dứt khoát bỏ tư duy không quản được thì cấm, cũng dứt khoát bỏ tư duy không biết vẫn quản, nhằm giải phóng toàn bộ sức sản xuất, lao động” – ông nói về câu chuyện điểm nghẽn thể chế cần tháo gỡ trong thời gian tới.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh thể chế vừa là nguồn lực, vừa là động lực, nếu vướng mắc thì không thể phát triển được.
Điều chỉnh lớn nhất của văn kiện Đại hội XIV là tăng trưởng 2 con số. Đây là mục tiêu rất thách thức nhưng không làm không được
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Định hướng thời gian tới là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ để có thể đứng vững trước mọi thách thức như đại dịch cOVID-19 hay việc đứt gãy chuỗi cung ứng…, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong bối cảnh hiện nay chúng ta càng phải độc lập tự chủ, đẩy mạnh động lực tăng trưởng về tiêu dùng và đầu tư trong bối cảnh động lực xuất khẩu gặp khó khăn khi phải phụ thuộc vào các thị trường lớn như Nhật Bản, EU…
Đáng chú ý về mục tiêu phát triển, Thủ tướng cho biết chúng ta xác định ba mục tiêu rất rõ ràng, đó là ổn định cả về bên trong lẫn bên ngoài - ổn định nhưng phải phát triển và phải nhanh, bền vững; cải thiện và nâng cao toàn diện đời sống Nhân dân; tự cường, tự tin, tiến mạnh trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
Về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và sắp xếp tỉnh, xã, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp đang triển khai, Thủ tướng nêu mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra không gian phát triển mới.
"Chuyển trạng thái từ thụ động phục vụ nhân dân sang tích cực chủ động phục vụ nhân dân, với định hướng chính quyền phải gần dân, sát dân, hiểu dân" - ông nói và cho rằng cần giảm khâu trung gian, giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh số hóa… góp phần giải quyết công việc được nhanh hơn.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, vừa qua Trung ương thống nhất công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng đã thật sự đặt ở vị trí “then chốt”...
Việc thực hiện 10 nhiệm vụ về xây dựng Đảng, ba nhiệm vụ trọng tâm và ba giải pháp đột phá Đại hội XIII đề ra, nhất là một số chủ trương, nhiệm vụ mang tính cách mạng đã được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với phương pháp tổ chức thực hiện rất mới, quyết liệt, hiệu quả, toàn diện, đồng bộ, sâu sắc, đạt được những kết quả rất quan trọng.
Từ đó, tạo nền tảng để đất nước ta vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.