Thủ tướng Nhật Bản thăm Mỹ: Thách thức chiến lược và bài toán an ninh

Sáng nay (9/4), Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã tới Mỹ, bắt đầu những hoạt động đầu tiên trong chuyến công du 1 tuần tại Mỹ. Dù là chuyến thăm trong khuôn khổ quan hệ song phương, nhưng cũng có những hoạt động đa phương nhằm thúc đẩy vai trò quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ trong những vấn đề quốc tế nổi cộm hiện nay.

Quan hệ đồng minh và “thách thức chiến lược”

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quân sự với Mỹ, đồng thời tăng cường liên kết trong nhiều lĩnh vực khác bao gồm lĩnh vực an ninh kinh tế, vũ trụ…

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: NHK

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: NHK

Đây là chuyến thăm Mỹ cấp nhà nước đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản trong vòng 9 năm qua, có ý nghĩa quan trọng khi mà chỉ còn vài tháng nữa là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra. Và hai bên sẽ cố gắng nâng cấp quan hệ an ninh lên một cấp cao hơn. Đây là bước đi thể hiện việc thực thi cam kết của hai nhà lãnh đạo trong nhiều cuộc gặp trước đó khẳng định Mỹ hỗ trợ hoạt động phòng thủ của Nhật và tìm kiếm các biện pháp bổ sung để tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của đồng minh. Đồng thời, hai bên mong muốn việc nâng cấp an ninh diễn ra trước bầu cử Tổng thống. Sau này, khi Tổng thống là ai thì mọi chuyện đã an bài.

Bên cạnh đó, hai bên cũng xác định “thách thức chiến lược” chung là sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Do đó, hai bên cần phải tăng cường hợp tác với những đối tác phù hợp để ứng phó.

Trước khi lên máy bay vào ngày hôm qua (8/4), Thủ tướng Kishida Fumio cho rằng, trong môi trường an ninh toàn cầu phức tạp như hiện nay, tầm quan trọng của quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ ngày càng được nâng cao. Nhật Bản và Mỹ đang giữ vai trò chủ đạo trong nhiều vấn đề của quốc tế, cho nên, quan hệ Nhật-Mỹ phải được tăng cường và chuyến thăm này là cơ hội để thông tin điều đó đến với thế giới. Nhật Bản và Mỹ cần phải làm gì đó để trật tự thế giới đi vào ổn định.

Như vậy, chính sách an ninh của Nhật Bản đối với khu vực nào đó thay đổi, nhưng trong chính sách an ninh đối với riêng Mỹ thì cơ bản không thay đổi. Vị trí của Mỹ vẫn rất quan trọng trong hoạt động an ninh của Nhật Bản và hai bên luôn tìm cách để củng cố và thúc đẩy nó.

Hợp tác an ninh vẫn là trụ cột

Nhìn từ mấy nhiệm kỳ qua, trong thời chính quyền Tổng thống Obama, khi đó ông Joe Biden là Phó Tổng thống, chính sách “tái cân bằng” được coi trọng và khu vực Trung Đông được Mỹ coi là khu vực cần chú ý. Sang thời Tổng thống Donald Trump thì Trung Quốc được coi là đối trọng của Mỹ. Sang đến chính quyền Tổng thống Joe Biden, Trung Quốc được coi là “đối tác cạnh tranh duy nhất” có thể thay đổi trật tự thế giới. Trong cuộc hội đàm Nhật-Mỹ lần này, hai nhà lãnh đạo được cho là sẽ có những thống nhất xoay quanh vấn đề Trung Quốc.

Một chủ đề lớn nữa mà hai bên sẽ thỏa thuận là việc đồn trú và phí đồn trú của lính Mỹ tại Nhật Bản. Hiện nay, có khoảng 54.000 lính Mỹ đang trú tại Nhật Bản vừa đảm bảo an ninh cho Nhật Bản, vừa đảm bảo hoạt động quân sự cho cả hai bên ở khu vực Đông Bắc Á. Tuy nhiên, hiện nay bối cảnh quốc tế thay đổi, buộc chính quyền Tổng thống Joe Biden phải xem xét có hay không việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung mới sẽ trực thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.

Bên cạnh đó, Đại tướng chỉ huy quân đội Mỹ tại Nhật Bản sẽ có thể dành nhiều thời gian ở Nhật hơn hiện tại.

Về phía Nhật Bản, nước này đã cam kết tuân thủ các cải cách quốc phòng mang tính lịch sử khi đặt mục tiêu tăng ngân sách quốc phòng bằng 2% tổng sản phẩm quốc dân vào năm 2027.

Đây cũng được coi là kế hoạch nâng cấp quân đội Nhật lớn nhất kể từ Thế chiến 2. Nhật cũng cam kết trong chiến lược quốc phòng của mình sẽ "thảo luận sâu hơn nữa với Mỹ về vai trò, nhiệm vụ và khả năng của họ, đồng thời củng cố hơn nữa khả năng răn đe chung của cả hai nước theo cách tích hợp". Như vậy, một thỏa thuận liên quan đến vấn đề này có khả năng sẽ được thống nhất.

Từ song phương tới đa phương

Theo kế hoạch, trong chuyến thăm này Thủ tướng Kishida Fumio sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên lần đầu tiên với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos.

Mục tiêu chính của cuộc gặp này vẫn là vấn đề an ninh. Những năm gần đây, mối quan tâm chung của Mỹ và Nhật Bản là ở khu vực Châu Á. Ngoài việc tăng cường hợp tác ở góc độ kinh tế, duy trì lợi ích lâu dài từ một khu vực năng động, thì an ninh được coi trọng đặc biệt, nhất là vấn đề liên quan đến Biển Đông và Hoa Đông.

Trong cuộc hội đàm Nhật-Mỹ và Nhật-Mỹ-Philippines, dự kiến nội dung này sẽ được đề cập nhằm thể hiện sự quan tâm của cộng đồng trong việc tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực nhằm thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Một chuyến thăm dài ngày với nhiều hy vọng cấu trúc nên những sự biến chuyển mới trong cặp quan hệ đang đóng vai trò ảnh hưởng tới thế giới. Tuy nhiên, chúng ta hy vọng một xã hội thế giới không có chiến tranh, cùng ổn định và phát triển.

Bùi Hùng/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thu-tuong-nhat-ban-tham-my-thach-thuc-chien-luoc-va-bai-toan-an-ninh-post1087951.vov
Zalo