Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để đứt gãy nền kinh tế là một cố gắng rất lớn
Phát biểu kết luận phiên họp của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, không để đứt gãy nền kinh tế, không tăng trưởng âm là một cố gắng rất lớn. Đây là minh chứng rõ nét của định hướng đúng và các giải pháp quyết liệt phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người dân
Ngày 28/8, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng XIII đã tổ chức phiên họp toàn thể dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban, cho ý kiến, phân tích đánh giá tình hình, những vấn đề mới đặt ra trên các lĩnh vực để tiếp tục cập nhật, điều chỉnh, hoàn thiện các dự thảo văn kiện để phù hợp tình hình mới.
Gồm 51 thành viên, Tiểu ban đã có 6 phiên họp toàn thể kể từ phiên đầu tiên vào tháng 11/2018 nhằm xây dựng văn kiện kinh tế - xã hội mà Tiểu ban chủ trì là các dự thảo báo cáo Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Tiểu ban Kinh tế - xã hội về bổ sung, cập nhật các dự thảo văn kiện
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chúng ta thấy được một tinh thần rất lớn đó là trong khó khăn, chúng ta đã cố gắng vượt qua. Giá trị đất nước, giá trị dân tộc ta tăng lên trong khó khăn ấy. Theo kết quả cuộc điều tra xã hội học, tìm hiểu dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương mới công bố, 97% người dân Việt Nam được hỏi ý kiến đều tin tưởng các biện pháp có kết quả của Đảng và Nhà nước trong phòng chống dịch Covid-19.
“Điều đó nói lên tình cảm dân tộc hay ý Đảng lòng dân và đây là nền tảng quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đồng thời cho hay, cả thế giới và Việt Nam đều gặp trở ngại trong phát triển ở thời điểm hiện nay. Theo đó, vấn đề khát vọng dân tộc, đổi mới sáng tạo với nền tảng văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam đó là những vấn đề cần khẳng định để chúng ta khắc phục khó khăn, phát triển đất nước trong chiến lược và kế hoạch đưa đất nước tiến lên trong thời gian tới.
Đất nước ta, con người Việt Nam chúng ta cần thích ứng, thay đổi cách quản lý để vượt qua khó khăn, với tinh thần lạc quan. Không có tinh thần lạc quan thì con người ấy, dân tộc ấy khó có thể phát triển. “Tinh thần lạc quan, khát vọng phát triển của con người Việt Nam chính là một điều kiện rất quý báu để chúng ta vượt qua thách thức, khó khăn” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Chính vì vậy, những vấn đề về báo cáo chiến lược, chúng ta cần đánh giá cho sát tình hình, cập nhật số liệu chính xác hơn, nhất là số liệu về vĩ mô và làm rõ hơn, nổi bật kết quả thực hiện mục tiêu kép của nước ta trong năm 2020, vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh cả thế giới, khu vực gặp khó khăn, chúng ta không đứt gãy nền kinh tế, không tăng trưởng âm là một cố gắng rất lớn, để làm đà cho phát triển kinh tế sắp tới. Đây cũng là minh chứng rõ nét của định hướng đúng và các giải pháp quyết liệt phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Kết quả đạt được góp phần quan trọng củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tăng cường sức “đề kháng” trước thách thức
Kết luận phiên họp, Thủ tướng cũng lưu ý, về chủ đề của Chiến lược, Tiểu ban thống nhất cần bảo đảm thống nhất với báo cáo chính trị, là văn kiện trung tâm của Đại hội. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao.

Thủ tướng nhấn mạnh cần thích ứng, thay đổi cách quản lý để làm sao vượt qua khó khăn
Tuy nhiên, bối cảnh thời gian tới, từ những vấn đề đặt ra, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, viết sâu sắc hơn về những vấn đề mới phát sinh do cả dịch bệnh và tình hình kinh tế, chính trị xã hội, kinh tế toàn cầu biến động mạnh, lưu ý những thách thức về thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, đặt ra yêu cầu tăng cường sức chống chịu, đề kháng, để sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh, thiên tai nguy hiểm và biến đổi khí hậu gây hậu quả nặng nề trong tương lai. Chúng ta lạc quan nhưng đầy thử thách phía trước. Vì vậy, phải trang bị cho đất nước ta, dân tộc ta khả năng chống chịu.
Về quan điểm phát triển, Thủ tướng đồng ý với các ý kiến của Tổ biên tập bổ sung nội hàm về chuyển số và hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới, chú ý phát triển doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dân tộc, vấn đề nhân tài, giáo dục, đào tạo nghề… Bên cạnh đó, về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Tiểu ban cơ bản đồng ý với các kiến nghị bổ sung của Tổ biên tập, trong đó có các nội dung đề xuất bổ sung về phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tính toán kỹ lại các chỉ tiêu về tài chính, ngân sách Nhà nước, đầu tư công để vừa phục vụ công tác xây dựng văn kiện và dự thảo kế hoạch đầu tư công 2021-2025 để trình Chính phủ, Quốc hội theo quy định. Tinh thần là phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư trên khả năng của chúng ta, kể cả đầu tư xã hội và đầu tư công.
Một vấn đề nữa là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, các mô hình, phương thức kinh doanh mới, mang tính sống còn trong điều kiện bình thường mới do tác động của dịch Covid-19. Những xu hướng mới rất nhanh và phức tạp vừa là cơ hội, vừa là thách thức trên tất cả các phương diện, lĩnh vực cạnh tranh ngày càng gay gắt này, cần đề cập trong báo cáo chiến lược 10 năm và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm. Trong một thế giới thay đổi rất nhanh, chúng ta cần nhạy cảm và nhanh nhạy hơn trong quản trị Nhà nước.
Về kế hoạch hoạt động của Tiểu ban từ nay đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tiểu ban cơ bản thống nhất, trên cơ sở các ý kiến thành viên, giao Tổ biên tập tiếp tục rà soát, hoàn thiện, có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện, thường xuyên báo cáo Thường trực Tiểu ban, nhất là những vấn đề mới phát sinh. Trong đó, có việc hoàn thiện báo cáo trình hội nghị Trung ương, báo cáo lấy ý kiến Quốc hội…, đề nghị các đồng chí, trước hết trong thường trực Tổ biên tập, chuyên gia, Tổ biên tập cần tập trung hơn nữa để có một văn kiện có chất lượng, sát thực tiễn, đúng hướng…