Thủ tướng nêu các xu thế mới ngành logistics phải đi theo để phát triển
Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phát triển ngành logistics phải đi theo các xu thế mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.
Logistics phải đi theo các xu thế mới
Ngày 2/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2024, với chủ đề "Khu thương mại tự do, giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics" do Bộ công thương phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức.
Đây là diễn đàn được Bộ công thương tổ chức hằng năm từ năm 2013 đến nay. Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 nhằm thúc đẩy doanh nghiệp logistics ứng dụng công nghệ tiến bộ, hiện đại trong việc vận hành chuỗi cung ứng; tìm giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực Đông Nam Bộ.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết báo cáo của Bộ công thương và các ý kiến tham luận trình bày tại Diễn đàn đã đánh giá khá toàn diện kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển logistics quốc gia giai đoạn 2017-2023; chỉ ra những tồn tại, hạn chế; đề xuất phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn tới.
Thủ tướng nhấn mạnh một số kết quả, thành tựu phát triển ngành logistics Việt Nam thời gian qua, trước hết là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngành logistics, về vị trí Việt Nam trên bản đồ logistics thế giới, khả năng đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics thế giới.
Cùng với đó, khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách được tiếp tục hoàn thiện; cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành đạt kết quả tích cực, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Theo Thủ tướng, thời gian tới, với xu thế hội nhập, thương mại quốc tế sẽ ngày càng phát triển; mặt khác thế giới phải đối mặt nhiều vấn đề mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết được.
Ở trong nước, kỷ nguyên phát triển mới và việc đẩy mạnh khai thác không gian biển, không gian ngầm, không gian vũ trụ, chuyển đổi số, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực cũng sẽ đặt ra những yêu cầu mới, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ ngành logistics, giảm thời gian, chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh phát triển ngành logistics phải đi theo các xu thế mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; trên tinh thần "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp", "sáng tạo để bay cao, đổi mới để vươn xa, hội nhập để phát triển".
7 giải pháp phát triển ngành logistics
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ 3 mục tiêu phát triển ngành logistics, góp phần phục vụ mục tiêu lớn phát triển đất nước. Đầu tiên giảm chi phí logistics so với GDP Việt Nam từ 18% xuống còn 15% trong năm 2025.
Thứ hai nâng tỷ trọng ngành logistics Việt Nam trong quy mô GDP từ 10% lên 15% và phấn đấu đạt 20%.
Thứ ba nâng tốc độ tăng trưởng của ngành logistics Việt Nam từ 14-15% mỗi năm hiện nay lên 20%.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhấn mạnh 7 giải pháp phát triển ngành logistics, đồng thời là 7 đột phá để thực hiện 3 mục tiêu đã đề ra, góp phần đưa tăng trưởng kinh tế đạt mức 2 con số mỗi năm trong những năm tới.
Thứ nhất, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngành logistics và vị trí Việt Nam ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh trong chuỗi logistics thế giới.
Thứ hai, tạo đột phá thể chế theo hướng thông thoáng để phát triển ngành xứng tầm, với quan điểm "thể chế là nút thắt của nút thắt", là "đột phá của đột phá".
Thứ ba, xây dựng hạ tầng logistics hiện đại, thông suốt để giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là phát triển ngành hàng không, hàng hải và đường sắt tốc độ cao.
Thứ tư, xây dựng quản trị thông minh và đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics.
Thứ năm, đẩy mạnh hội nhập, ngoại giao logistics và hiện đại hóa ngành logistics nội địa.
Thứ sáu, xây dựng và phát triển quốc gia thương mại tự do, đồng thời quản lý hiệu quả, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Thứ bảy, kết nối chặt chẽ giữa các phương thức giao thông (hàng không, hàng hải, đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa) và kết nối với giao thông quốc tế, với các khu thương mại tự do của thế giới.
Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, các cơ quan, địa phương tích cực, chủ động triển khai các giải pháp theo 7 giải pháp, đột phá nói trên.
Trong đó, Bộ Công Thương chủ trì, cùng các bộ, ngành xây dựng chiến lược phát triển ngành logistics, đề án phát triển quốc gia thương mại tự do, phát triển các khu thương mại tự do ở biên giới.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ Trung ương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát; địa phương tăng cường tính tự lực, tự cường, tính chủ động, "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.