Thủ tướng nêu 3 cam kết lớn với nhà đầu tư nước ngoài

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Sáng 16/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề “Đồng hành và phát triển”.

Hội nghị diễn ra sau cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hồi tháng 4/2023.

Thủ tướng trao đổi cùng đại diện các nhà đầu tư nước ngoài (Ảnh VGP)

Thủ tướng trao đổi cùng đại diện các nhà đầu tư nước ngoài (Ảnh VGP)

Đồng hành cùng Chính phủ tháo gỡ nút thắt

Ông John Rockhold, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), cho rằng việc Mỹ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện mở ra nhiều cơ hội để mở rộng quan hệ thương mại song phương. Đồng thời, củng cố cam kết của Mỹ đối với một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường.

“Chúng tôi nhận thấy động lực thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương đã tăng lên sau chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu Việt Nam tới San Francisco, Washington D.C. và Thành phố New York. AmCham đang nỗ lực phối hợp với những doanh nghiệp mà đoàn đã gặp trong chuyến thăm để hiện thức hóa những định hướng đầu tư”, ông John Rockhold nói.

Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham). (Ảnh: VGP)

Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham). (Ảnh: VGP)

Đánh giá Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng ông John Rockhold cho rằng, quy trình phê duyệt còn chậm và thủ tục hành chính còn mất thời gian, cản trở hoặc làm chậm tiến độ các dự án của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Khẳng định đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam tháo gỡ nút thắt, Chủ tịch AmCham khuyến nghị Chính phủ cần làm rõ những quy định pháp lý đang cản trở đầu tư.

Ông cho biết, một khía cạnh mà tất cả doanh nghiệp và các nhà đầu tư tương lai đều quan tâm là độ tin cậy về nguồn cung năng lượng và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo.

Để Việt Nam đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng và hiện thực hóa cam kết tại hội nghị COP26, những giải pháp quan trọng cần thực hiện bao gồm phát triển lưới điện, triển khai hợp đồng mua bán điện có khả năng thanh toán, rút gọn thủ tục phê duyệt dự án và củng cố vị thế tài chính của các công ty điện lực quốc gia.

Trong khi đó, ông David Whitehead, Phó Chủ tịch Auscham cho rằng, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, Chính phủ cần có những điều chỉnh tổng thể về quy trình, thủ tục cấp phép, đảm bảo quy định rõ ràng về sử dụng đất, ưu đãi thuế và cấp giấy phép lao động. Lược bỏ các thủ tục, quy định không cần thiết về điều kiện kinh doanh sẽ giúp thu hút đầu tư FDI quy mô lớn vào Việt Nam, đặc biệt là vào các ngành công nghiệp mới như công nghiệp bán dẫn và chip.

Ông Ng Boon Teck, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam đánh giá, “Super port” tại Việt Nam là “siêu cảng”, trung tâm logistics lớn đặt tại Vĩnh Phúc nên muốn kết hợp mạnh mẽ hệ thống cơ sở hạ tầng logistics phát triển để biến nơi này thành khu vực trung chuyển để giảm chi phí.

Đồng thời, doanh nghiệp Singapore muốn mang tới công nghệ mới, thông minh và chia sẻ cách tối ưu hóa những công nghệ tiên tiến để đẩy mạnh hơn ngành logistics.

Nhà đầu tư muốn thêm chính sách hỗ trợ, khuyến khích

Là tập đoàn đa ngành hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như hàng không, bất động sản, dịch vụ hàng hải, thương mại và công nghiệp, ông Josh Williams, Trưởng Đại diện Tập đoàn Swire tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường ưu tiên.

Ông Josh Williams, Trưởng Đại diện Tập đoàn Swire tại Việt Nam. (Ảnh: VGP)

Ông Josh Williams, Trưởng Đại diện Tập đoàn Swire tại Việt Nam. (Ảnh: VGP)

“Những năm qua, Swire đã ngày càng tăng sự hiện diện vào Việt Nam. Năm 2020, Swire đã đầu tư vào 2 dự án bất động sản lớn tại TP.HCM và đầu năm 2023, Swire Coca-Cola – công ty con của Swire Pacific đã mua lại các công ty con của Coca-Cola ở Việt Nam”, ông Josh Williams nói.

Ông Bruno Jaspert, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEPC đề nghị Chính phủ đưa ra chính sách khuyến khích khu công nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng thời gian thuê đất dài hạn hơn.

Đồng thời, kết hợp với việc áp dụng thuế đặc biệt đối với các khu không thể hoặc không muốn tuân thủ và sử dụng nguồn thu này để xây dựng quỹ phát triển tương lai bền vững.

Bên cạnh đó, ông Phùng Việt Thắng, đại diện Intel Việt Nam cho biết, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành về nguồn nhân lực của ngành bán dẫn; về thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 400 tỷ USD.

Đồng thời, Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI.

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao triển vọng tăng trưởng, môi trường đầu tư và vị thế của Việt Nam; niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào chính sách điều hành của Chính phủ, Thủ tướng.

Nhiều tập đoàn kinh tế nước ngoài nhìn nhận Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, bà Ngọc cho rằng, những khó khăn, thách thức tạo áp lực thúc đẩy đổi mới tư duy, sáng tạo, kiến tạo tầm nhìn mới. Để hiện thực hóa cơ hội đòi hỏi phải có sự chia sẻ, đồng hành của khu vực FDI với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đưa loạt giải pháp như tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ việc tiếp cận thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; triển khai hiệu quả chương trình phục hồi, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuẩn bị sẵn điều kiện để thu hút đầu tư như mặt bằng sạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, năng lượng….

3 cam kết lớn của Thủ tướng

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Việt Nam có 3 cam kết với nhà đầu tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh: VGP)

Thứ nhất, luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào.

Thứ hai, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm lợi ích, ổn định lâu dài ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Thứ ba, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh bình đẳng, lành mạnh và bền vững.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính cạnh tranh cao.

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp; triển khai hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất; giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất…

Đặc biệt, cần lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần cầu thị, chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành.

Nguyễn Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thu-tuong-neu-3-cam-ket-lon-voi-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-2202659.html
Zalo