Thủ tướng: Không để người dân nào thiếu ăn, học sinh thiếu trường sau bão số 3
Sáng 8/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại khu vực miền núi
Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị đánh giá bão số 3 là cơn bão có cường độ rất mạnh. Sau khi càn quét tại các đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ với gió cấp 13, giật cấp 16, vùng tâm bão đã đổ bộ vào đất liền khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng với gió cấp 11-12, giật cấp 14, cá biệt ở Bãi Cháy (Quảng Ninh) đo được gió cấp 14, giật cấp 17.
Tối và đêm ngày 7/9, bão đi sâu vào đất liền, tiếp tục ảnh hưởng đến Đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm cả Thủ đô Hà Nội có gió cấp 7, giật cấp 9-10), 4h sáng nay (ngày 8/9), bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở khu vực Tây Bắc Bộ (khu vực Sơn La) và tan dần. Bão gây mưa lớn trước, trong và sau bão tại khu vực Bắc Bộ (từ Thanh Hóa trở ra), đặc biệt là các tỉnh nam Đồng bằng Bắc Bộ.
Theo báo cáo của các địa phương, tổng hợp của Bộ NN&PTNT, mặc dù đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo từ sớm, từ xa như vậy nhưng bão số 3 vẫn gây những thiệt hại lớn về người, nhà cửa, hạ tầng (nhất là điện lực, viễn thông), tàu thuyền, cây xanh, sản xuất nông nghiệp…
Thống kê sơ bộ thiệt hại (cập nhật mới nhất đến thời điểm sáng 8/9), đã có 4 người chết (Quảng Ninh 3, Hải Dương 1); 200 người bị thương (Quảng Ninh 58, Hải Phòng 20); 13 người mất tích (7 người trên tàu Tiến Thành 5 và 6 người trên tàu kéo biển Hồng Gai bị đứt neo trôi dạt không liên lạc được). Một số tàu, thuyền bị chìm tại nơi neo đậu tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương; mất điện, mất liên lạc diện rộng, nhất là ở Quảng Ninh, Hải Phòng; nhiều nhà cửa, công trình công cộng bị hư hỏng, tốc mái và rất nhiều cây xanh bị ngã đổ tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang,...
Gần đây nhất, sáng sớm nay 8/9, sạt lở đất gây sập đổ nhà, vùi lấp 5 người tại Xóm Chầm, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình (hiện đang phải triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn).
Hiện nay, bão cơ bản đã tan, nhưng theo dự báo, mưa lớn còn kéo dài đến hết ngày mai (9/9) ở các tỉnh Bắc Bộ, nguy cơ tiếp tục xảy ra ngập úng cục bộ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại khu vực miền núi.
Xuất cấp ngay gạo dự trữ cho người dân
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi chia sẻ của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương có mất mát về người và tài sản do bão số 3.
Cùng với đó, biểu dương Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là bí thư, chủ tịch các địa phương, các lực lượng quân đội, công an... trong phòng chống và khắc phục hậu quả bão.
Biểu dương và hoan nghênh các cơ quan chuyên môn (như các ngành công thương, GTVT, viễn thông, điện, nước, y tế, giáo dục) đã nghiêm túc, kịp thời chấp hành các công điện của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan báo chí đã làm tốt công tác truyền thông. Đồng thời, cảm ơn nhân dân, doanh nghiệp đã cơ bản chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn và hỗ trợ, giúp đỡ nhau khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ 5 mục tiêu, bao gồm: Tập trung cao độ việc cứu người, rà soát, tìm kiếm người mất tích; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa; không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh; khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông; thống kê thiệt hại chính xác, khách quan để có giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả, kịp thời; ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún…
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương xuất cấp dự trữ để khắc phục các vấn đề cấp bách về ăn, mặc, ở, học tập, khám chữa bệnh của người dân và đề xuất hỗ trợ của Trung ương từ ngân sách dự phòng, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì xử lý, quyết định, việc này cần làm ngay, hoàn thành trước 18h ngày hôm nay và sau đó tiếp tục bổ sung nếu cần thiết.
"Đặc biệt, các địa phương phải thống kê ngay, xuất cấp ngay gạo dự trữ, cần bao nhiêu xuất bấy nhiêu, quan trọng là phải thống kê chính xác, minh bạch, tránh tiêu cực xảy ra", Thủ tướng nhấn mạnh. Cùng với đó, tập trung sửa chữa trường học, lớp học.