Thủ tướng: Khẩn trương bố trí kinh phí chi trả cho người xin nghỉ theo chế độ
Sáng ngày 9/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp của Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo khẩn trương bố trí ngay kinh phí để chi trả cho người xin nghỉ theo chế độ và dôi dư trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy; hướng dẫn sắp xếp tài sản, cơ sở vật chất trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính địa phương.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, dự kiến sau sắp xếp cả nước giảm 6.714 đơn vị (66.91%). Tức là từ 10.035 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 3.321 đơn vị hành chính cấp xã. 5 địa phương có tỉ lệ giảm nhiều đơn vị hành chính cấp xã là: Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Quảng Bình, Hải Phòng.

Phiên họp của Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
"Khối lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm bình quân cả nước là 66,91% là phù hợp với chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương; điều kiện thực tiễn của từng địa phương; đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền cấp xã để thực hiện mục tiêu phục vụ tốt hơn cho người dân", Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhận định.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, ở cấp tỉnh dự kiến giảm 18.444 biên chế do phải cơ cấu lại vị trí việc làm, nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc theo chính sách. Dự kiến bố trí 199.260 biên chế cán bộ công chức cấp xã sau thời điểm sắp xếp, khi chính quyền địa phương cấp xã đi vào hoạt động ổn định. Theo đó, giảm 110.786 biên chế và kết thúc hoạt động của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cả nước 120.500 người.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, dự kiến giai đoạn 5 năm 2026-2030 tổng kinh phí dự kiến tiết kiệm chi tiền lương và định mức chi hành chính giảm khoảng 190.500 tỷ đồng do giảm cán bộ công chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và cán bộ hoạt động không chuyên trách.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, ở cấp tỉnh dự kiến giảm 18.444 biên chế do phải cơ cấu lại vị trí việc làm, nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc theo chính sách.
Về dự kiến nguồn chi trả chế độ chính sách cho đối tượng nghỉ thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi: Đối với cấp tỉnh dự kiến giảm 18.449 người (tương đương khoảng 1,2 tỷ/người) tổng chi khoảng 22.139 tỷ đồng; Đối với cấp xã, dự kiến giảm 110.786 người, tổng chi khoảng 99.707 nghìn tỷ đồng.
Dự kiến kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu là 6,6 nghìn tỷ đồng. Tổng kinh phí dự kiến giai đoạn 2025-2030 khoảng 128.480 nghìn tỷ đồng.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực và hiệu quả công việc của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, của Bộ Nội vụ, các bộ, ngành và các địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, tổ chức lấy ý kiến nhân dân và chuẩn bị một bước công tác nhân sự trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp:
Khi sắp xếp, tổ chức thay đổi lại phải tiếp tục sắp xếp ổn định. Trong quá trình sắp xếp không để ách tắc công việc, nhất là công việc với nhân dân. Giải quyết thủ tục hành chính với nhân dân với doanh nghiệp, phải làm rất nhiều việc.

Thủ tướng đề nghị khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Nhấn mạnh sắp xếp đơn vị hành chính là cơ hội phân cấp, phân quyền mạnh hơn, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành rà soát đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã; vận dụng chuyển đổi số... để chạy việc, không ách tắc, chống tiêu cực
"Thẩm quyền của Bộ thì Bộ mới làm. Việc gì của tỉnh thì tỉnh làm. Việc gì của xã thì xã làm. Nguồn lực là quan trọng nhất. Do đó, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới. Đồng thời tăng cường giám sát kiểm tra. Tôi đã nói nhiều và bây giờ mới có cơ hội để thực hiện. Lần này Ban Chỉ đạo sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính các cấp; xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chỉ đạo các bộ phải có tờ trình kèm theo xem là đã phân cấp đến đâu rồi", Thủ tướng quán triệt công việc.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là nhiệm vụ tác động ảnh hưởng đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức và nhân dân. Do đó, cần phải xác định đây cũng là nhiệm vụ cấp bách, đặc biệt quan trọng, không để việc sắp xếp tổ chức bộ máy làm gián đoạn hoạt động của các cơ quan, hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động thường ngày của người dân, doanh nghiệp.

Các đại biểu tại Phiên họp.
Thủ tướng đề nghị khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Làm tốt công tác sắp xếp, bố trí và giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư, sắp xếp trụ sở làm việc, cơ sở vật chất và ổn định hoạt động tại các đơn vị hành chính mới. Đồng thời bảo đảm bố trí đủ nguồn kinh phí để thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư sau sắp xếp theo quy định; hỗ trợ một phần kinh phí cho các địa phương trong việc sắp xếp trụ sở làm việc, di chuyển trang thiết bị, kho tài liệu... giúp các đơn vị mới nhanh chóng ổn định hoạt động.