Thủ tướng: Hợp tác công-tư là 'chìa khóa' để phát triển bền vững

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần tập trung vào hoàn thiện thể chế, thúc đẩy tài chính xanh, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới sáng tạo, công nghệ xanh và phát triển bền vững, tăng cường hợp tác quốc tế.

Ngày 17/4, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với cộng đồng doanh nghiệp với chủ đề “Hợp tác công-tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững”.

Việt Nam có nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác quốc tế về năng lượng

Trong phần thảo luận với lãnh đạo cấp cao, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Amina Mohammed nhấn mạnh năng lượng xanh là một cơ hội đầu tư đặc biệt của thế kỷ 21. Bà khẳng định Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ chốt trong thúc đẩy đối tác công-tư ở quy mô toàn cầu, nhưng sự thành công ở quy mô lớn đòi hỏi các khuôn khổ, thể chế vững chắc và một danh mục cụ thể các dự án tiềm năng, có khả năng tiếp nhận tài chính.

Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Amina Mohammed phát biểu tại phiên đối thoại. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN

Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Amina Mohammed phát biểu tại phiên đối thoại. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN

Trong thông điệp ghi hình gửi Hội nghị, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann cho biết, với vị thế là nhà cung ứng năng lượng tái tạo lớn nhất Đông Nam Á, Việt Nam có nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng.

Tổng thư ký OECD bày tỏ sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ Việt Nam phát huy mô hình hợp tác công-tư, thu hút đầu tư, đào tạo kỹ năng xanh cho người lao động và trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy thảo luận chính sách về tăng trưởng xanh. Ông cũng chia sẻ rằng OECD sẽ công bố Báo cáo Kinh tế Việt Nam vào tháng 6/2025 với nhiều khuyến nghị, đề xuất mang tính thí điểm để hỗ trợ Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm trong giai đoạn tới.

Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann gửi thông điệp ghi hình tới phiên thảo luận. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN

Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann gửi thông điệp ghi hình tới phiên thảo luận. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN

Trong khi đó, Chủ tịch EuroCham Bruno Jaspaert cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội chiến lược để phát triển bền vững, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và trở thành một nhà lãnh đạo khu vực trong lĩnh vực này. Ông Jaspaert nhìn nhận cơ hội này sẽ khiến Việt Nam khác biệt so với các điểm đến đầu tư khác. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Chủ tịch EuroCham đề xuất Chính phủ tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về quản lý, thể chế, tiếp cận tài chính xanh.

Chia sẻ với các đại biểu, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, các cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội, Hội đồng nhân dân thông qua trong thời gian qua đã mở đường cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ; từ đó góp phần định hình vai trò Đà Nẵng là trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp quốc gia và khu vực.

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT Tô Dũng Thái và Chủ tịch Tập đoàn TH Thái Hương đã chia sẻ về nhiều kết quả nổi bật về chuyển đổi xanh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Trong đó, hai công ty sản xuất chủ lực của Tập đoàn TH đã đạt chứng nhận trung hòa carbon, góp phần cùng Chính phủ triển khai cam kết trung hòa carbon tại Hội nghị COP26.

Chìa khóa hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững

Phát biểu kết luận tại phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các bài phát biểu của lãnh đạo các quốc gia, ý kiến thảo luận và đề xuất chất lượng của đại diện các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế.

Thủ tướng chia sẻ mặc dù bước ra từ chiến tranh, từng phải đối mặt với bao vây, cấm vận, là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, độ mở lớn, chịu tác động mạnh trước các thách thức bên ngoài nhưng Việt Nam luôn đoàn kết, chung tay, chung sức, đồng lòng, chưa bao giờ bỏ người dân nào lại phía sau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên đối thoại. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên đối thoại. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN

Nhìn về tương lai, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn lắng nghe, thấu hiểu những ý kiến của doanh nghiệp và tập trung 4 nhóm vấn đề. Một là, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; xây dựng môi trường số minh bạch, công khai. Hai là, thúc đẩy cách mạng về tổ chức bộ máy, giảm trung gian, đầu mối giải quyết công việc.

Ba là, thúc đẩy hội nhập quốc tế, kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Bốn là, thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; phát huy vai trò các thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Thủ tướng cũng điểm lại 4 nội dung quan trọng đã được thống nhất tại đối thoại. Đó là hợp tác công-tư là chìa khóa để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững; các quốc gia đang phát triển cần xây dựng một hệ sinh thái đầy đủ, toàn diện, hiệu quả để thúc đẩy hợp tác công-tư phát triển kinh tế xanh, kinh tế số; tăng trưởng xanh, phát triển bền vững phải đi đôi với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; và nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định thành công của các dự án hợp tác công tư xanh.

Quang cảnh phiên đối thoại. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN

Quang cảnh phiên đối thoại. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN

Về phía khu vực công, Thủ tướng đề nghị cần tập trung vào hoàn thiện thể chế, thúc đẩy tài chính xanh, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới sáng tạo, công nghệ xanh và phát triển bền vững, tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ xanh và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đẩy mạnh hợp tác công tư và chuyển đổi xanh hiệu quả, bền vững.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp, cần phát huy hơn vai trò chủ động, tăng cường đầu tư vào công nghệ xanh, chuyển đổi số, áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu, tham gia các dự án hạ tầng xanh theo mô hình công tư, thực hiện ESG, hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chủ động đóng góp xây dựng chính sách phát triển bền vững.

Thủ tướng cũng kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư bắt tay ngay vào các dự án cụ thể, để mỗi doanh nghiệp là một chiến sĩ tinh nhuệ, quả cảm trên mặt trận kinh tế, nỗ lực cùng Đảng, Nhà nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Sau 4 ngày làm việc (14-17/4), với hơn 20 phiên thảo luận, Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư đã kết thúc thành công tốt đẹp.

Tại lễ bế mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chính thức chuyển giao vai trò chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ năm cho Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali. Thủ tướng chúc Ethiopia sẽ đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh P4G năm 2027, tiếp tục phát huy ý nghĩa của tiến trình hợp tác P4G sau những thành công của các hội nghị tại Đan Mạch, Hàn Quốc, Colombia và Việt Nam.

Các nhà lãnh đạo P4G đã đồng thuận thông qua 2 tuyên bố: Tuyên bố Hà Nội về chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm và Tuyên bố về tăng cường hợp tác giữa P4G và các tổ chức, cơ chế đa phương nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thu-tuong-hop-tac-cong-tu-la-chia-khoa-de-phat-trien-ben-vung-40545.html
Zalo