Thủ tướng Đức nói gì về tin ông Zelensky liên quan vụ phá hoại Nord Stream?
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 8/9 cam kết, nước này quyết điều tra các hành vi phá hoại đường ống Nord Stream đưa khí đốt từ Nga đến Đức.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ZDF, khi được hỏi liệu có tin tưởng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau những thông tin về sự dính líu của Kiev trong vụ nổ hay không, Thủ tướng Scholz trả lời: “Tôi có mối quan hệ tốt với (Tổng thống) Volodymyr Zelensky".
Nhà lãnh đạo Đức khẳng định "những thông tin trên phải được điều tra", đồng thời bày tỏ hài lòng khi Tổng Công tố viên và cơ quan thực thi pháp luật của Đức "đã đạt được tiến triển trong vấn đề này”.
Thủ tướng Scholz nhấn mạnh: “Chúng tôi khẳng định không che giấu bất cứ điều gì. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để trừng phạt những đối tượng đã gây ra vụ việc đó”.
Các đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 chạy dưới Biển Baltic đã bị hư hại trong một loạt vụ nổ vào tháng 9/2022. Không ai nhận trách nhiệm về các vụ nổ, nhưng một số hãng truyền thông ở phương Tây cáo buộc rằng vụ phá hoại do nhóm công dân Ukraine thực hiện.
Đức, Đan Mạch và Thụy Điển đã tiến hành những cuộc điều tra riêng rẽ, song từ chối hợp tác với Nga. Thụy Điển sau đó đã tìm thấy những dấu vết chất nổ trên một số vật thể thu được từ hiện trường, đồng thời xác nhận các vụ nổ là hành động cố ý.
Thụy Điển và Đan Mạch đã khép lại việc điều tra vào tháng 2 vừa qua, song không xác định được bất kỳ nghi phạm nào.
Hồi đầu tháng này, các hãng truyền thông Đức đưa tin, Berlin ban hành lệnh bắt giữ đối với “Vladimir Z”, một cựu thợ lặn quân sự Ukraine mà họ cáo buộc đã đặt chất nổ trên đường ống Nord Stream. Các hãng truyền thông Nga xác định nghi phạm là Vladimir Zhuravlev.
Theo một cuộc điều tra được tờ báo Der Spiegel công bố hôm 29/8, nghi phạm Zhuravlev thực sự đã ở Đức vào tháng 5 và ở Ba Lan vào thời điểm lệnh bắt giữ được ban hành.
Tuy nhiên, các quan chức Ba Lan không làm gì để bắt giữ Zhuravlev và người này có thể đã vượt biên vào Ukraine hôm 6/7 trên một chiếc xe của Đại sứ quán Ukraine tại Warsaw.
Theo cựu giám đốc tình báo Đức August Hanning, Ba Lan và Ukraine có thể đã hợp tác với nhau. Đáp trả các cáo buộc trên, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã yêu cầu tất cả "những người khởi xướng và bảo trợ" của đường ống khí đốt Nord Stream "xin lỗi và giữ im lặng".
Theo đài RT, các bài viết về một nhóm người Ukraine làm việc trên du thuyền thuê - có hoặc không có sự chấp thuận của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - chịu trách nhiệm cho vụ phá hoại Nord Stream chỉ xuất hiện sau khi nhà báo Mỹ Seymour Hersh tuyên bố rằng chính quyền Washington liên quan đến các vụ nổ.
Về phần mình, Moscow cũng cáo buộc Washington đứng sau vụ phá hoại Nord Stream, lập luận rằng Mỹ là bên hưởng lợi lớn nhất từ việc gián đoạn nguồn cung khí đốt Nga cho Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, Ukraine vẫn khẳng định Nga đã cho nổ tung đường ống của chính mình.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Tass ngày 8/9, Đại sứ Nga tại Đức Sergey Nechayev cho biết, Moscow chưa nhận được bất kỳ thông tin đáng tin cậy nào từ Chính phủ Đức liên quan đến cuộc điều tra vụ phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và Nord Stream 2.
Đại sứ Nechayev lưu ý thêm rằng tuyến đường ống khí đốt Nord Stream không chỉ liên quan đến Nga mà còn liên quan đến nhiều quốc gia khác.
"Trên thực tế, nước Đức đang phải chịu tổn thất lớn từ vụ nổ đường ống Nord Stream của Nga trong khi tất cả các nhánh của tuyến Nord Stream-2 đều đã sẵn sàng để vận hành" – nhà ngoại giao Nga cho hay.
Trước đó, trong bài trả lời phỏng vấn đài truyền hình trong nước hôm 19/8, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố, do cơ sở hạ tầng của Nord Stream bị phá hủy, châu Âu sẽ mất đi nguồn nhiên liệu giá rẻ và "cơ sở bền vững cho phát triển kinh tế".