Thủ tướng: Doanh nghiệp cần tham gia làm dự án lớn của đất nước
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cần trao đổi, bàn bạc với doanh nghiệp, có cam kết để triển khai công việc cụ thể, tham gia thực hiện những nhiệm vụ, dự án lớn của đất nước.
![Thủ tướng khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án lớn của đất nước. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_119_51439913/2d1aadd9999770c92986.jpg)
Thủ tướng khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án lớn của đất nước. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.
Ngày 10/2, Chính phủ đã có cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp bàn về nhiệm vụ, giải pháp để tăng tốc, bứt phá phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới. Sau khi lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, cơ quan liên quan tổng hợp, giải quyết các ý kiến của doanh nghiệp, đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.
Thủ tướng trân trọng những đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước và đặc biệt trong những lúc khủng hoảng, những thời điểm quan trọng, những lúc đất nước gặp khó khăn.
Hiện Đảng, Nhà nước đã ban hành các nghị quyết, luật để phát triển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là Nghị quyết số 41-NQ của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Sắp tới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, các cơ quan sẽ xây dựng đề án về phát triển các doanh nghiệp dân tộc phát huy vai trò đầu đàn, dẫn dắt và đề án về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết năm 2025 chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy; quyết liệt thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phấn đấu tăng trưởng ít nhất 2 con số, đóng góp triển khai các nhiệm vụ lớn nói trên, góp phần vào thực hiện 2 mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập Nước).
Về những trăn trở, băn khoăn của các doanh nghiệp, doanh nhân về việc các cấp, ngành thực thi đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, Thủ tướng cam kết rà soát lại, xây dựng thể chế thông thoáng, xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, phù hợp, hiệu quả.
Phát triển hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp, nền kinh tế và đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Với các bộ, ngành, Thủ tướng đề nghị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cần trao đổi, bàn bạc với các doanh nghiệp, hai bên có cam kết để triển khai công việc cụ thể, tham gia thực hiện những nhiệm vụ, dự án lớn của đất nước.
Người đứng đầu Chính phủ lấy ví dụ trong xây dựng đường sắt tốc độ cao, Bộ Giao thông Vận tải có cam kết với Hòa Phát về đường ray, với Thaco về toa tàu, với Đèo Cả, Xuân Trường về đào hầm, làm đường… Thủ tướng nhấn mạnh điều này phải trên cơ sở "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân và không có tiêu cực, tham nhũng.
Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh, làm ăn đúng luật, tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc.