Thủ tướng: Đến năm 2030, Việt Nam có nhà máy điện hạt nhân

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành xác định lộ trình, công việc để xây dựng xong nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm, tức năm 2030, Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân.

 Thủ tướng đặt mục tiêu hoàn thành nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm. Ảnh: VGP.

Thủ tướng đặt mục tiêu hoàn thành nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm. Ảnh: VGP.

Ngày 15/1, Thủ tướng đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, mở ra lộ trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận, dự kiến hoàn thành vào năm 2030.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã báo cáo Thủ tướng về tình hình triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhấn mạnh sự cần thiết trong việc đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng nhu cầu điện sạch và tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 2 con số, nhu cầu tăng trưởng điện phải đạt từ 15% đến 18%, trong đó điện hạt nhân đóng vai trò then chốt.

Thủ tướng nhấn mạnh phát triển điện hạt nhân không chỉ đáp ứng nhu cầu năng lượng mà còn tạo nền tảng cho các lĩnh vực khoa học công nghệ đột phá, như y học hạt nhân.

Đáng chú ý, Thủ tướng đặt mục tiêu hoàn thành nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm để kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030.

Để đảm bảo tiến độ, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ban ngành triển khai đồng bộ các nhiệm vụ. Trước tiên, Bộ Công Thương phải hoàn thiện quy hoạch bằng việc nhanh chóng điều chỉnh và bổ sung quy hoạch điện, hoàn thành trước ngày 28/2.

Cùng với đó là tập trung phát triển nhân lực. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 400 chuyên gia trong lĩnh vực điện hạt nhân. Thủ tướng giao các cơ quan liên quan nhanh chóng tập hợp đội ngũ này, đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo chuyên sâu để đáp ứng nhu cầu dài hạn.

Thủ tướng cũng chỉ đạo việc kết hợp đồng bộ xây dựng hạ tầng. Tỉnh Ninh Thuận sẽ làm chủ đầu tư, phối hợp với các đối tác công - tư để phát triển hạ tầng giao thông, điện, nước, văn hóa và giáo dục, phục vụ nhu cầu xây dựng nhà máy và hỗ trợ đội ngũ nhân lực.

Về phía nước ngoài, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các cơ quan thúc đẩy hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các đối tác nước ngoài phù hợp. Đồng thời, cần rà soát và đề xuất các cơ chế đặc thù về thuế, tín dụng, đất đai để thu hút đầu tư và đảm bảo tính hiệu quả cho dự án.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cần tập trung hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến điện hạt nhân, đảm bảo an toàn, an ninh và hiệu quả trong quá trình vận hành.

Để đảm bảo tính khả thi, Ninh Thuận sẽ là địa phương chịu trách nhiệm chính trong việc giải phóng mặt bằng, xây dựng chính sách hỗ trợ người dân nhường đất cho dự án. Đồng thời, tỉnh cũng cần kêu gọi đầu tư để khai thác dân dụng sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận).

Thủ tướng Phạm Minh Chính còn yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung phát huy tinh thần trách nhiệm, khẩn trương triển khai các công việc. “Thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán là những yếu tố quyết định thành công", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân được thành lập theo Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 10/1. Nhiệm vụ của Ban là giám sát, đôn đốc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, đồng thời phối hợp với các tổ chức quốc tế để phát triển ngành điện hạt nhân của Việt Nam.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/thu-tuong-den-nam-2030-viet-nam-co-nha-may-dien-hat-nhan-post1525095.html
Zalo