Thủ tướng đề nghị ông Phạm Nhật Vượng làm tàu điện ngầm từ trung tâm TP HCM đi Cần Giờ

Thông tin được Thủ tướng chia sẻ tại hội nghị công bố Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) được tổ chức chiều nay (4/1).

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trao quyết định Quy hoạch cho lãnh đạo TPHCM. Ảnh: H.V.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trao quyết định Quy hoạch cho lãnh đạo TPHCM. Ảnh: H.V.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM - ông Phan Văn Mãi cho biết mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là phát triển TPHCM trở thành “đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo; thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á; tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước và vượt qua ngưỡng thu nhập cao; thành phố có chất lượng cuộc sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu".

Về kinh tế, Quy hoạch đặt mục tiêu GRDP bình quân đạt khoảng 8,5-9%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 14.800-15.400 USD.

Cũng theo Quy hoạch, TPHCM hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; phát triển các ngành công nghiệp chủ lực; trở thành trung tâm thương mại điện tử của vùng Đông Nam Bộ; phát triển TPHCM theo 3 tiểu vùng, gồm tiểu vùng trung tâm, tiểu vùng Thủ Đức và tiểu vùng ngoại thành.

Ông Phan Văn Mãi báo cáo tại hội nghị. Ảnh: H.V.

Ông Phan Văn Mãi báo cáo tại hội nghị. Ảnh: H.V.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá Quy hoạch phát triển TPHCM không những có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố mà còn đối với sự phát triển của cả nước.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Dũng, việc phê duyệt mới là kết quả bước đầu. Để Quy hoạch sớm đi vào cuộc sống và trở thành hiện thực thì còn rất nhiều việc phải làm.

Qua đó, ông Dũng đề nghị trong thời gian tới, TPHCM cần phải tập trung vào 5 nhiệm vụ.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: H.V.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: H.V.

Trong đó, tập trung đầu tư nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối thông suốt nội thành, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế; chú trọng phát triển các tuyến đường giao thông kết nối với sân bay Long Thành, TP Biên Hòa (Đồng Nai) và tỉnh Bình Dương, đẩy nhanh việc triển khai Đề án hình thành Trung tâm tài chính quốc tế và Đề án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; phát triển hạ tầng số; giải quyết các vấn đề về ngập úng, ô nhiễm môi trường; đặc biệt là ô nhiễm không khí, đảm bảo an ninh nguồn nước.

Thành phố cần tận dụng xu hướng phát triển xanh, thông minh, hiện đại để thu hút các nhà đầu tư chiến lược và nguồn lực chất lượng cao; chú trọng thu hút các dự án đầu tư bảo đảm đầy đủ cả 3 yếu tố: công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

"2 tăng cường, 3 tiên phong"

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý Quy hoạch đã được phê duyệt, việc còn lại là thực hiện thế nào để mang lại sự phát triển bền vững cho TPHCM và cả nước.

Thủ tướng cũng thông tin từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cả nước đã hoàn thành được 111/111 quy hoạch. Trong đó, ông đặc biệt ấn tượng với quy hoạch của TPHCM.

“TPHCM đã đầu tư công sức, trí tuệ để tạo ra một Quy hoạch phát huy vai trò đầu tàu, giá trị biểu tượng luôn luôn đổi mới. Quy hoạch thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, tư duy đổi mới rất rõ và quyết tâm cũng rất lớn. Các đồng chí cũng nên tự hào với thành quả của mình” - Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.V.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.V.

Để triển khai thực hiện quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu TPHCM thực hiện “2 tăng cường và 3 tiên phong”.

Cụ thể, trước hết là tăng cường đầu tư cho con người. Thứ hai, tăng cường kết nối với các vùng với kinh tế, với cả nước bằng hạ tầng giao thông, hạ tầng số, các chuỗi cung ứng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường...

"3 tiên phong", theo Thủ tướng, gồm: Phát triển hạ tầng chiến lược giao thông, hạ tầng số, y tế, xã hội, thể thao, hạ tầng cứng và mềm; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ và chuyển đổi số; thu hút đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và giữ chân nhân tài.

Thủ tướng cũng lưu ý khi triển khai thực hiện quy hoạch không bảo thủ, khi phát sinh các vấn đề mới cần cập nhật, có thay đổi.

"TPHCM phải xây dựng thành phố hiện đại, thông minh, gắn kết vùng, đủ sức cạnh tranh quốc tế và là động lực cho vùng, cực tăng trưởng của đất nước” - Thủ tướng lưu ý.

Tại hội nghị, Thủ tướng thông tin thêm về việc đã đề nghị tỉ phú Phạm Nhật Vượng - chủ tịch Tập đoàn Vingroup, xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TPHCM đến huyện Cần Giờ.

"Tôi có trao đổi anh Vượng Chủ tịch Vingroup về việc xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TPHCM cho đến huyện Cần Giờ. Anh Vượng đã đồng tình và rất say sưa với đề nghị này", Thủ tướng nói.

Từ việc này, Thủ tướng gợi ý với TPHCM là phải giao nhiều việc cho các doanh nghiệp lớn. Thủ tướng yêu cầu phải quán triệt tinh thần này khi triển khai thực hiện quy hoạch.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.V.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.V.

Phát biểu tiếp thu ý kiến, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM - cam kết thành phố sẽ triển khai thực hiện theo Quy hoạch được duyệt và những chỉ đạo của Thủ tướng cũng như đề xuất của các bộ, ngành.

“Với sự hỗ trợ của Trung ương, sự đồng hành của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân, TPHCM có đủ niềm tin nhanh chóng triển khai hiệu quả Quy hoạch trong thời gian tới” - ông Nên bày tỏ.

Hồ Văn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thu-tuong-de-nghi-ong-pham-nhat-vuong-lam-tau-dien-ngam-tu-trung-tam-tp-hcm-den-can-gio-2360076.html
Zalo