Thủ tướng đề nghị các địa phương kiểm tra thường xuyên hệ thống đê điều

Thủ tướng đề nghị, chính quyền địa phương kiểm tra thường xuyên hệ thống đê điều, tinh thần là phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Chiều 11/9, Thường trực chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng đã họp về chương trình xây dựng pháp luật trong đó thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ.

Trước tình hình mưa lũ gây ảnh hương nghiêm trọng làm chết và mất tích gần 300 người, 780 người bị thương, nhiều tài sản hoa màu, gia súc, gia cầm bị hư hại, phá hủy, phát biểu mở đầu cuộc họp về xây dựng pháp luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi chia buồn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng cũng gửi lời chia buồn tới những gia đình có người bị nạn do lũ và sạt lở đất, đồng thời yêu cầu các địa phương làm tốt chế độ chính sách, hậu sự hỗ trợ người dân kịp thời hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận

Thủ tướng cho biết, tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường, gây mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ gây thiệt hại to lớn về tính mạng, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương di dời người dân đến nơi an toàn, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, không nơi ăn trốn ở. Các lực lượng công an, quân đội, địa phương tiếp tục tập trung lãnh đạo chỉ đạo tìm kiếm người bị nạn, nhất là những người bị mất tích, người bị thương.

Thủ tướng biểu dương tinh thần của lực lượng công an, quân đội có mặt ở các điểm nóng để hỗ trợ kịp thời người dân vùng bị lụt bão đồng thời yêu cầu phối hợp với các cơ quan khác khẩn trương vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, mì tôm, các nhu yếu phẩm, nước uống, nước sạch…để cung cấp cho người dân trong vùng bị cô lập, người dân thiếu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm trong thời gian nhanh nhất có thể.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Toàn cảnh phiên thảo luận

Thủ tướng nhấn mạnh, các quyết định đưa ra trong phòng chống bão lụt phải nhanh, gọn phù hợp với tình hình, phải đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là trong mua sắm trang thiết bị liên quan đến thủ tục hành chính. Tuyệt đối nghiêm cấm trong lúc dịch bệnh, thiên tai mà lợi dụng tham nhũng tiêu cực.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát thiệt hại của các tổ chức, cá nhân do lũ, xuất cấp dự trữ của tỉnh để cứu trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, nếu thiếu báo cáo trung ương để trợ cấp. Tinh thần là không để ai bị đói rét, không có chỗ ở, các cháu sớm được đến trường, người bệnh phải có nơi chữa bệnh, không để mất sóng, mất điện, ảnh hưởng đến người dân doanh nghiệp.

 Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Thủ tướng đề nghị, chính quyền địa phương kiểm tra thường xuyên hệ thống đê điều, tinh thần là phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể; Các ngân hàng thương mại, chính sách xã hội có các chính sách giảm hoãn, giãn thuế, phí, lệ phí hỗ trợ cho người dân doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi lũ, bố trí vốn để các doanh nghiệp cơ cấu lại doanh nghiệp, khắc phục thiệt hại, sớm ổn định, bắt tay vào sản xuất kinh doanh, không để sảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng. Các cơ quan truyền thông ngoài đưa tin kịp thời về công tác phòng chống bão lũ thì cần phải có các chương trình hướng dẫn cách phòng chống tự bảo vệ mình trong lúc bão lũ.

Thứ trưởng Bộ tư pháp Trần Tiến Dũng

Thứ trưởng Bộ tư pháp Trần Tiến Dũng

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương không bị thiệt hại hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương bị thiệt hại, ảnh hưởng; trên tinh thần “có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều; có của giúp của, có công giúp công”, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn "để vượt qua lúc khó khăn này.

Về nội dung họp thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ, các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành đã nêu những ý kiến quan điểm của mình để khơi thông về thể chế chính sách trong mỗi luật, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế đất nước.

Kết luận chung về các vấn đề này cùng với việc chỉ rõ những góp ý cụ thể đối với từng luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những gì đã chín đã rõ được thực tiễn chứng minh là đúng, được đa số đồng tình thì chúng ta luật hóa, những gì chưa chín chưa rõ thì thí điểm mở rộng dần, không cầu toàn không nóng vội. Những vấn đề đưa ra, góp ý khi làm luật phải nhanh, ngắn gọn, kịp với tình hình thực tiễn, bớt thủ tục hành chính; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; Luật đề cập những vấn đề chung, không quá chi tiết và phù hợp với tình hình thực tiễn, cùng với đó phải phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực, tăng cường đội ngũ làm luật như cơ chế chính sách, biên chế cho đội ngũ làm luật, cùng với đó tăng cường kiểm tra giám sát, tránh trục lợi chính sách, tham nhũng tiêu cực trong làm luật.

Vũ Khuyên/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-de-nghi-cac-dia-phuong-kiem-tra-thuong-xuyen-he-thong-de-dieu-post1120602.vov
Zalo