Thủ tướng: Đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với một số điểm cầu tại Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội về công tác ứng phó mưa lũ, thiên tai, khắc phục hậu quả bão số 3.
Báo cáo tại cuộc họp với Thủ tướng Phạm Minh Chính trưa 10/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết tỉnh đang tập trung ứng phó ngập úng tại các khu dân cư, tuyến đường; sơ tán người dân khỏi nơi nguy hiểm.
Tỉnh đã sơ tán khoảng 2.600 hộ dân ra khỏi vùng phân lũ và có thể phải sơ tán thêm khoảng 1.000 hộ dân. Đây là các vùng phân lũ nên đã có phương án từ trước, người dân đã được tập huấn, chuẩn bị.
Trên địa bàn Bắc Giang có 24 hồ nước lớn, lớn nhất là hồ Cấm Sơn song khả năng trước mắt chưa phải xả đáy nếu không có mưa vượt quá 200 mm. Hiện 27 trạm bơm trên địa bàn đang hoạt động.
Lãnh đạo các địa phương (Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội) cho biết, đã và đang di dời người dân ra khỏi vùng ngập úng; huy động lực lượng sửa chữa, khôi phục các hạ tầng bị hư hỏng; thu dọn vệ sinh môi trường.
Đặc biệt tổ chức cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ; đề xuất lực lượng vũ trang hỗ trợ lực lượng, phương tiện, nhất là trực thăng để đưa nhu yếu phẩm đến nơi đang bị mưa, lũ chia cắt...
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời hỏi thăm, chia sẻ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới Đảng bộ, chính quyền quân và dân tỉnh Bắc Giang về những thiệt hại, mất mát do bão số 3 gây ra; hoan nghênh tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi, chia sẻ, chia buồn tới gia đình có người bị nạn, bị thương; yêu cầu tỉnh thực hiện tốt chính sách đối với các gia đình bị nạn; khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt công tác ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả bão số 3; xử lý những cá nhân, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ.
Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần là đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết trong lúc này để đưa ra giải pháp phù hợp, hiệu quả; không để ai bị đói, bị rét, bị thiếu chỗ ở; các cháu học sinh sớm tới trường, người bệnh phải được chữa bệnh.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tất cả các cơ quan, lực lượng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải tích cực, chủ động nắm tình hình, phản ứng kịp thời khi tình hình xấu có thể xảy ra, những vấn đề vượt quá thẩm quyền phải báo cáo. Các địa phương phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong khắc phục hậu quả mưa bão với sự hỗ trợ của Trung ương.
Với Bắc Giang, Thủ tướng cho rằng hiện nay đang nổi lên tình hình lũ trên các sông qua địa bàn; cần nắm chắc tình hình, triển khai các công việc theo quy định của pháp luật, xử lý linh hoạt, hiệu quả theo tình hình cụ thể; rà lại hệ thống đê điều, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Cùng với đó, vận hành phù hợp, bảo đảm an toàn hồ đập khi tỉnh Bắc Giang có nhiều hồ chứa nước, đặc biệt là hồ Cấm Sơn với gần 300 triệu m3 nước, lớn thứ tư trên cả nước, đồng thời cố gắng không xả đáy với hồ này để bảo đảm nước canh tác thời gian tới.
Đồng thời, thực hiện tất cả các biện pháp có thể để ứng cứu ngay 7.200 ha lúa đang bị ngập, cùng với diện tích rau màu. Rà soát lại thiệt hại, phân loại, sử dụng dữ trữ của tỉnh để thực hiện các chế độ, chính sách với các gia đình, cơ quan bị thiệt hại, nếu thiếu thì đề xuất Trung ương.
Bắc Giang là tỉnh công nghiệp, Thủ tướng yêu cầu, cùng với việc ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cần nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh, khôi phục sản xuất nông nghiệp trở lại bình thường và nhất là sản xuất tại các khu công nghiệp vì tỉnh là một trong các trung tâm công nghiệp lớn; khắc phục nhanh các sự cố, duy trì cung ứng điện và bảo đảm sóng viễn thông để phục vụ công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, ổn định đời sống người dân.
Thủ tướng đề nghị hệ thống ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và các cơ quan chức năng cần rà soát thiệt hại của doanh nghiệp, hộ kinh doanh để nghiên cứu, có chính sách hoãn, giãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí, thanh toán bảo hiểm, cho vay vốn, cơ cấu lại khoản vay, giảm lãi suất… để khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, hướng dẫn thủ tục cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại; kêu gọi sự chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trên tinh thần tương thân, tương ái.
Thủ tướng lưu ý sẽ xuất hiện các vấn đề vệ sinh môi trường, dịch bệnh, gia cầm chết sau bão lũ, do đó phải huy động các lực lượng như thanh niên, phụ nữ… tham gia dọn dẹp vệ sinh. Thủ tướng cũng biểu dương các lực lượng Quân đội, Công an luôn có mặt tại các điểm nóng để hỗ trợ nhân dân.
Thủ tướng nêu rõ, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên) bị chia cắt do nước lũ, phải bảo đảm cung ứng đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân. Qua tiếp xúc, người dân có 2 đề xuất, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc và giao nhiệm vụ cụ thể cho hai địa phương triển khai, Văn phòng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, hai tỉnh báo cáo lại Thủ tướng khi hoàn thành.
Thủ tướng yêu cầu rà soát lại các công việc, tập trung làm có trọng tâm, trọng điểm; nhanh chóng ổn định tình hình, bảo đảm an ninh, an toàn, an dân; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc, thông tin sai sự thật.
Với Yên Bái, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Yên Bái và lực lượng Quân đội, Công an phối hợp, bằng mọi cách để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại các địa bàn bị chia cắt, chủ động, sáng tạo tìm cách tiếp cận, trong đó có phương án sử dụng đường hàng không, đường thủy, đường bộ…
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Thành Long tiếp tục ở lại Yên Bái, trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ, quyết định các vấn đề liên quan.
Tỉnh Yên Bái và các địa phương khác chủ động lên phương án di dời người dân có thể bị ảnh hưởng tới nơi an toàn, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo lũ lụt, cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan thông tấn, báo chí, người dân.
Các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang triển khai các giải pháp kiểm soát vùng thượng lưu, nỗ lực giảm lưu lượng nước xuống các hồ đập, giảm nguy cơ quá tải các hồ đập.
Các bộ, ngành, địa phương phối hợp xử lý kịp thời việc ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ theo chỉ đạo, vấn đề vượt thẩm quyền thì khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.