Thủ tướng: Cơ chế đặc thù TP.HCM đã có, cờ đến tay chỉ bàn làm, không bàn lùi

Thủ tướng cho rằng, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã có, cờ đã đến tay, phải quyết tâm, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn và chỉ bàn làm, không bàn lùi.

Sáng 10/8, sau khi nghe toàn bộ báo cáo, thảo luận của các bộ, ngành và UBND TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị của đoàn công tác Thủ tướng với TP.HCM về kết quả kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ luôn đặc biệt quan tâm phát triển TP.HCM.

Về công tác triển khai Nghị quyết 98 thời gian tới, Thủ tướng cho rằng "suy nghĩ đã chín, tư tưởng đã thông, cơ chế đã có, cờ đã đến tay", phải có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn nữa, "chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận. (Ảnh: Nhật Bắc)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận. (Ảnh: Nhật Bắc)

Bên cạnh đó, phải làm việc có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa, làm việc nào dứt điểm việc đó để lấy động lực, cảm hứng làm việc tiếp theo, phát huy hơn nữa tư tưởng tấn công, khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung.

Thủ tướng yêu cầu Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, TP.HCM tiếp tục quán triệt Nghị quyết 98 và trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp với tinh thần chủ động, tích cực.

Nếu công việc vượt thẩm quyền thì cần đề xuất cấp có thẩm quyền, phối hợp chặt chẽ với nhau trong tổ chức thực hiện, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả, tăng cường kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh. Cách giải quyết, tháo gỡ vướng mắc phải mạnh mẽ hơn, sắc sảo hơn, bài bản hơn.

Về quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại các nhiệm vụ đã đề ra để tiếp tục thực hiện, nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, tầm quan trọng của thành phố trong sự phát triển chung của cả nước, vùng Đông Nam Bộ.

Đồng thời, cần nhận diện rõ các khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế, yếu kém, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; vừa làm vừa mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao.

Bên cạnh đó, phải tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát việc triển khai của từng cấp; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, liêm chính, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.

Nêu các bài học kinh nghiệm, quán triệt quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu TP.HCM quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, phát huy các cơ chế, chính sách đặc thù hiệu quả hơn với tinh thần “6 tiên phong", gồm:

Tiên phong trong đổi mới tư duy, phát triển đồng bộ, toàn diện, bao trùm, tổng thể, hiệu quả bền vững, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Tiên phong trong chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm.

Tiên phong trong phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, lập nghiệp. Tiên phong trong phát triển các ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao. Tiên phong trong phát triển nhân lực chất lượng cao, chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực trọng tâm. Tiên phong trong thực hiện chính sách xã hội, an sinh xã hội, công bằng tiến bộ xã hội, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng chỉ đạo TP.HCM quán triệt, cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về phát triển vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 7,5-8%.

Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trong điểm, cấp bách được giao như: Đường Vành đai 3; nút giao thông An Phú; mở rộng Quốc lộ 50; đưa vào vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 trong quý III năm 2024, tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt đô thị số 2.

Cùng với đó, cần khẩn trương hoàn thành phương án mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Vành đai 4 TP.HCM; sớm tháo gỡ khó khăn vướng mắc tuyến Metro 2, Đề án Trung tâm tài chính quốc tế, thu hút nhà đầu tư phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, phát triển thị trường tín chỉ các-bon tại Việt Nam...

Ngoài ra, cần kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền trong xử lý công việc; nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng đô thị thông minh, Đề án 06 và tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, TP.HCM phải phát huy vai trò quan trọng là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng, là thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của cả nước...

Hoàng Thọ

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/thu-tuong-co-che-dac-thu-tp-hcm-da-co-co-den-tay-chi-ban-lam-khong-ban-lui-ar888579.html
Zalo