Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với 34 tỉnh thành và hơn 3.300 xã, phường, đặc khu

Chiều 3/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6/2025.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với 34 tỉnh thành và hơn 3.300 xã, phường, đặc khu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với 34 tỉnh thành và hơn 3.300 xã, phường, đặc khu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, TP và hơn 3.300 xã, phường, đặc khu trong cả nước.

Dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ; thành viên Chính phủ; lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện các ban, cơ quan của Trung ương Đảng, Quốc hội; lãnh đạo các tỉnh, TP.

Theo chương trình, phiên họp tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 6, quý II và 6 tháng đầu năm năm 2025; tình hình phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao, công tác cải cách thủ tục hành chính; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 7/2025 và trong thời gian tới.

8 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong 6 tháng đầu năm

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ hoan nghênh các đồng chí tham dự Phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6/2025 - hội nghị Chính phủ đầu tiên sau cuộc cách mạng có tính lịch sử "sắp xếp lại giang sơn" và chính thức đồng loạt vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp từ 1/7/2025 tại 34 tỉnh, TP, 3.321 xã, phường, đặc khu trong cả nước.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chào, lời thăm hỏi và lời chúc mừng tốt đẹp tới tất cả các đồng chí đại biểu từ cấp Trung ương tới cấp cơ sở.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã đi qua 1/2 thời gian năm 2025 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới, nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhưng nhìn chung khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi.

Tình hình thế giới có những điểm nổi bật, như: Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng rất cao; xung đột leo thang ở nhiều nơi, căng thẳng hơn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày gay gắt; tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại; chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cục bộ; giá dầu thô, giá vàng biến động mạnh; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường và tác động ngày càng nặng nề nền kinh tế Việt Nam.

"Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động và bất định - phân cực về chính trị - phân tách về kinh tế - phân mảnh về thể chế - phân hóa về phát triển và giàu nghèo" - Thủ tướng nói.

Ở trong nước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ 8 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 7, quý III và năm 2025 để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2025 và cả nhiệm kỳ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 7, quý III và năm 2025 để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2025 và cả nhiệm kỳ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các nhiệm vụ này gồm: (1) Thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; (2) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên trong năm 2025 và tạo đà, tạo lực, tạo thế tăng trưởng 2 con số những năm tới; (3) đàm phán thuế với Hoa Kỳ và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, sản xuất; (4) trình ban hành và tổ chức triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị cùng các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về "bộ tứ trụ cột"; (5) chuẩn bị, phục vụ chu đáo kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV mang tính "lịch sử"; (6) tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến đến Đại hội XIV của Đảng; (7) tổ chức chu đáo, thành công chuỗi các sự kiện kỷ niệm lớn của dân tộc; (8) triển khai vượt tiến độ phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước và dự kiến hoàn thành dịp kỷ niệm 80 năm thành lập nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giúp đỡ, hợp tác của bạn bè quốc tế, tình hình KT-XH nhìn chung tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, tính chung 6 tháng đầu năm 2025 tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.

Nổi bật là tăng trưởng được thúc đẩy, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; bội chi, nợ công thấp hơn nhiều giới hạn quy địnho; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an sinh xã hội được chú trọng; đời sống nhân dân được nâng lên; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; đối ngoại và hội nhập được đẩy mạnh; giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận tình hình KT-XH còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức, các động lực truyền thống phải có biện pháp để tăng tốc hơn, các động lực mới chưa được phát huy hết.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá bối cảnh, tình hình, nhất là những điểm mới, điểm khác; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 7, quý III và thời gian còn lại của năm 2025 để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2025 và cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp ổn định bộ máy chính quyền các cấp; đạt mức tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025; các nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; các mục tiêu cụ thể trong phát triển hạ tầng giao thông, xóa nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng nhà ở xã hội…; sử dụng nguồn tăng thu để hoàn thành việc xây dựng trường lớp kiên cố tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Tăng trưởng kinh tế đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết: Theo dự báo cuối tháng 5, tăng trưởng GDP quý II ước đạt 7,67% so với cùng kỳ; 6 tháng đạt 7,31%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản 6 tháng tăng 3,85%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,18%, dịch vụ tăng 7,83%. Tuy nhiên, ước số liệu đến hết tháng 6, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng có thể cao hơn 0,2 - 0,3% so với dự báo. Điều này cho thấy tăng trưởng kinh tế đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm, nhiều chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất kinh doanh, ngân sách nhà nước (NSNN)… tốt hơn qua từng tháng, từng quý; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

6 tháng đầu năm, trong bối cảnh khó khăn nối tiếp khó khăn, thách thức nối tiếp thách thức, cả hệ thống đã rất nỗ lực, quyết tâm, kiên định với mục tiêu, bản lĩnh trong triển khai công việc, ứng phó kịp thời, hiệu quả với tình hình, nhờ đó đạt được những kết quả phát triển KT-XH khá toàn diện, tăng trưởng cao, "ngược chiều" với triển vọng suy giảm của kinh tế thế giới.

Trong đó, thu NSNN, thu hút FDI, xuất khẩu, phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh… đạt nhiều điểm sáng nổi bật; đạt mục tiêu, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng về thể chế, sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức, bộ máy, hệ thống chính quyền, thực hiện 3 đột phá chiến lược; đàm phán thương mại với Hoa Kỳ và hội nhập quốc tế.

Ngày 2/7 vừa qua, hai đoàn đàm phán của Việt Nam và Hoa Kỳ đã thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ về khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng. Đồng thời, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và tiếp tục trao đổi một số phương hướng, biện pháp lớn để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực then chốt, đột phá như khoa học công nghệ cao.

"Đây là kết quả quan trọng trong đàm phán, tạo niềm tin, kỳ vọng cho doanh nghiệp" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Bộ Tài chính cũng phân tích một số khó khăn, thách thức như: Mục tiêu tăng trưởng năm 2025 còn nhiều thách thức; kinh tế vĩ mô còn chịu nhiều sức ép, nhất là trong điều hành tỷ giá, lãi suất; Hoàn thiện thể chế, pháp luật đã được quan tâm chỉ đạo, nhưng vẫn còn vướng mắc, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; Đời sống của một bộ phận người dân, người lao động còn khó khăn...

Tại phiên họp, Bộ Tài chính đề xuất theo dõi sát hoạt động của chính quyền 2 cấp, việc triển khai các quy định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ dứt điểm vướng mắc của địa phương, bảo đảm đồng bộ, liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện thông suốt các công việc theo thẩm quyền 2 cấp.

Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thương mại hài hòa, bền vững với các nước. Không ngừng hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng trong nước và phát triển các động lực tăng trưởng mới.

Về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá phù hợp để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế; giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, hải quan; phấn đấu thu NSNN năm 2025 tăng 15% so với dự toán, tỷ lệ động viên vào NSNN khoảng 16% GDP; phấn đấu tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên các tháng cuối năm để đầu tư xây dựng trường nội trú cho học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; bảo đảm nguồn lực cho các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chi cấp bách...

Các bộ, cơ quan và địa phương theo dõi sát biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu thuộc phạm vi quản lý, kịp thời có giải pháp quản lý, kiểm soát giá cả phù hợp, bảo đảm ổn định thị trường, không để đầu cơ, làm giá…

Việt An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-truc-tuyen-chinh-phu-voi-34-tinh-thanh-va-hon-3-300-xa-phuong-dac-khu.757799.html
Zalo