Thủ tướng: Chống hàng giả, buôn lậu không ngừng nghỉ, xử lý một vụ cảnh tỉnh cả lĩnh vực

Thủ tướng yêu cầu chống buôn lậu, hàng giả cần phải làm thường xuyên, toàn diện, liên tục, không ngừng nghỉ với phương châm 'xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực', 'không có vùng cấm, không có ngoại lệ'.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là công việc rất quan trọng, mang tính lâu dài, cần huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người đứng đầu cấp ủy các cấp, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là nhân dân.

Trong đó, xác định công tác bảo vệ sức khỏe, quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, của người tiêu dùng là trên hết, trước hết. Công tác này cần phải làm thường xuyên, toàn diện, liên tục, không ngừng nghỉ với phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, thời gian từ ngày 15/5 - 15/6/2025, sau đó sẽ tiến hành sơ kết đánh giá.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan rà soát tổng thể chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, lực lượng chức năng, phải xác định rõ trách nhiệm, rõ địa bàn, rõ lĩnh vực của từng cơ quan, đơn vị; bảo đảm không chồng chéo, không bỏ sót nhiệm vụ.

Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ và công an địa phương xác lập chuyên án, đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội; phối hợp các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan để xảy ra sai phạm trong phạm vi quản lý, báo cáo, đề xuất xử lý theo quy định; tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi Bộ luật Hình sự với mức hình phạt đủ sức răn đe, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển phối hợp với lực lượng công an và các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo duy trì trật tự an toàn khu vực biên giới trên bộ và trên biển.

Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan liên quan làm tốt công tác nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan để phát hiện, xử lý kịp thời các doanh nghiệp buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận thuế; chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, không để hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng buôn lậu vào Việt Nam.

Bộ Công thương phối hợp với Bộ Công an đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng hóa làm cơ sở cho việc định hướng chiến lược hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, chống buôn lậu, hàng giả; nghiên cứu, rà soát Luật Thương mại, Luật Thương mại điện tử và các quy định có liên quan, sớm kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và ban hành trong năm 2025; bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xử phạt của các lực lượng chức năng theo hướng phân định rõ trách nhiệm, rõ địa bàn, rõ lĩnh vực, không chồng chéo, không bỏ sót, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2025.

Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về công bố thông tin sai sự thật.

Bộ Y tế tăng cường, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, dược phẩm giả; khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, các văn bản quy định về sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng; nghiên cứu đề xuất tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính.

Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công thương chủ động phối hợp, thực hiện việc kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh thực phẩm giả, độc hại, không rõ nguồn gốc; hoàn thiện các quy định của pháp luật về chuyên môn, kỹ thuật, quy trình tiền kiểm, hậu kiểm, cấp phép hàng hóa; đặc biệt phải ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý những cơ quan đề nghị quảng cáo, cơ quan thực hiện việc quảng cáo, những cá nhân, nghệ sỹ, người nổi tiếng lợi dụng uy tín của mình để có hành vi quảng cáo sai sự thật, nhất là trên mạng xã hội.

Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, ngành trong xây dựng, thẩm định, hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Linh Đan

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/thu-tuong-chong-hang-gia-buon-lau-khong-ngung-nghi-xu-ly-mot-vu-canh-tinh-ca-linh-vuc-192250517101426645.htm
Zalo