Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024

Ngày 6/2, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 'Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030' (Đề án 06) năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Trụ sở Chính phủ tới điểm cầu các bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố. Đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh dự tại điểm cầu Hưng Yên.

 Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Hưng Yên

Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Hưng Yên

Theo báo cáo tại phiên họp, năm 2024, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc (công bố tháng 9/2024), tăng 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) ở mức rất cao. Lần đầu tiên sau 15 năm, Việt Nam đấu giá thành công tần số, giúp bổ sung thêm 300 MHz cho 5G để nâng cao chất lượng di động băng rộng; là một trong số ít nước đang phát triển ngừng dịch vụ cho thuê bao 2G khi số thuê bao 2G còn lại chỉ còn khoảng 0,2% (so với trung bình các quốc gia khác khoảng 2-5%). Năm 2024, Việt Nam xác lập thêm 4 cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG), nâng tổng số lên 10 CSDLQG; có thêm 21 bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục, kế hoạch cung cấp dữ liệu mở, nâng tổng số cơ quan, địa phương đã ban hành danh mục, kế hoạch cung cấp dữ liệu mở lên 75 cơ quan, địa phương. Về Chính phủ số, lần đầu tiên thực hiện giám sát và công bố trực tuyến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công (DVC) trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 45%, tăng 28% so với năm 2023. Cổng DVC quốc gia tiếp tục phát huy hiệu quả với 4.475 thủ tục hành chính (TTHC) được tích hợp (chiếm 70,8% tổng số TTHC). Từ tháng 7/2024 dùng VNeID để đăng nhập, sử dụng DVC trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp…

Đề án 06 tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, đem lại nhiều tiện ích, được người dân đồng tình, ủng hộ cao. Các bộ, ngành đã cung cấp 54/76 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên cổng DVC quốc gia năm 2024; trong đó có 43 thủ tục hành chính đã được cung cấp toàn trình trên cổng DVC quốc gia. Phần mềm DVC liên thông đã được triển khai trên toàn quốc với 520.887 hồ sơ đăng ký khai sinh và 132.541 hồ sơ đăng ký khai tử. Bộ Công an đã hoàn thành cung cấp 35 tiện ích trên VNeID được người dân hưởng ứng. 63/63 địa phương đã chính thức triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID với 129.695 hồ sơ phát sinh trên ứng dụng VneID…

Tại phiên họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã làm rõ những kết quả đạt được cũng như đề xuất những giải pháp cụ thể thực hiện công tác chuyển đổi số và Đề án 06 trong thời gian tới.

Với chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2025 là “Chuyển đổi số toàn diện để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế”, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số sẽ tập trung chỉ đạo triển khai chuyển đổi số toàn diện các ngành, lĩnh vực, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8-10%. Để thực hiện mục tiêu trên, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về: Phát triển kinh tế số, phát triển Chính phủ số, phát triển hạ tầng số, an toàn thông tin, phát triển xã hội số, phát triển dữ liệu số.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác Đề án 06; sự đồng lòng, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chuyển đổi số là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu để đất nước vươn mình. Do vậy cần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể để phát triển với quan điểm "toàn dân, toàn diện, toàn trình"; đưa chuyển đổi số lan tỏa đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Đầu tư cho hạ tầng số là đầu tư cho phát triển, do đó phải dành nguồn lực thỏa đáng. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình để thực hiện tốt nhiệm vụ đổi mới khoa học, công nghệ và chuyển đổi số; thống nhất về nhận thức và hành động, đổi mới tư duy đối với đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu...

Hoàng Bền

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-chu-tri-phien-hop-tong-ket-hoat-dong-cua-uy-ban-quoc-gia-ve-chuy-3179111.html
Zalo