Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế
Tối 18-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Cùng dự hội nghị đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế có đồng chí Trần Lưu Quang-Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Trưởng các cơ quan đại diện, Tham tán Thương mại Việt Nam ở nước ngoài. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ đến điểm cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai. Cùng dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã báo cáo kết quả triển khai công tác ngoại giao kinh tế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Cụ thể, trong 36 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm đến nay, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất, ký kết và thỏa thuận hợp tác với các đối tác.
Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp. Nội dung thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu, đàm phán FTA, tăng cường thu hút nguồn lực hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, lao động…được chú trọng lồng ghép và cụ thể hóa thành cam kết, dự án cụ thể.
Nhiều cơ chế đối thoại được thiết lập nhằm triển khai các cam kết: lần đầu tiên thực hiện đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao và đối thoại Kinh tế Việt-Mỹ để cụ thể hóa nội hàm quan hệ vừa nâng cấp. Bên cạnh các đối tác chủ chốt, quan hệ với các đối tác tiềm năng cũng tiếp tục được thúc đẩy qua các hoạt động trao đổi đoàn, họp các Ủy ban hỗn hợp.
Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia và đóng góp có trách nhiệm, hiệu quả tại các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương quan trọng như: Tiểu vùng Mekong, ASEAN, APEC, WTO, Liên hợp quốc, G20, OECD, WEF, P4G nhằm tận dụng nguồn lực phát triển. Cùng với đó, lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương tích cực gặp gỡ các tập đoàn nước ngoài để vận động đầu tư chất lượng cao, phát triển kinh tế xanh, thúc đẩy giải quyết vướng mắc để bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi…
Trong 6 tháng cuối năm, với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm”, “5 đẩy mạnh”, công tác ngoại giao kinh tế tập trung vào một số nhiệm vụ: Quyết liệt triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ và kế hoạch hành động của Bộ Ngoại giao về công tác ngoại giao kinh tế. Triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất các hoạt động đối ngoại cấp cao. Tiếp tục rà soát định kỳ, đôn đốc tiến độ triển khai các cam kết thỏa thuận. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đặc biệt là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Tại hội nghị, trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã trao đổi, đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới như: tiếp tục thúc đẩy các cam kết, thỏa thuận đã đạt được; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm ra thị trường các nước đã thỏa thuận hợp tác; tạo môi trường an toàn, thuận lợi để thu hút đầu tư chất lượng cao; đổi mới mạnh mẽ trong phối hợp triển khai ngoại giao kinh tế; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong 6 tháng đầu năm, công tác ngoại giao kinh tế luôn kiên định mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát huy đổi mới sáng tạo. Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, sự đóng góp của các cơ quan đại diện của nước ngoài. Bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai là phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công công việc rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ lộ trình, rõ kết quả, rõ sản phẩm. Quá trình tổ chức thực hiện phải đôn đốc kiểm tra, rà soát, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra trong thời gian tới, cần thực hiện tốt các đột phá chiến lược: Đột phá về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, kinh tế-xã hội, y tế, giáo dục; đẩy mạnh hạ tầng số, hạ tầng xanh, những đầu tư lớn. Đột phát về thể chế, nâng cao nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Lấy đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, cuộc cách mạng 4.0 là động lực cho sự phát triển.
Bên cạnh đó, xác định ưu tiên cho tăng trưởng, tập trung làm mới động lực tăng trưởng truyền thống bao gồm tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Các doanh nghiệp có nhiều đóng góp, tập trung vào động lực xuất khẩu, cải thiện môi trường hợp tác phát triển. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như: kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế tri thức. Tập trung kêu gọi đầu tư, mở rộng thị trường cho các động lực tăng trưởng mới. Kết nối các nước, các khu vực kinh tế với nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp tăng cường kết nối với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài để chuyển tải thông tin về hàng hóa, đầu tư, khả năng cạnh tranh của sản phẩm để hỗ trợ tìm kiếm thị trường. Các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, đề xuất các cơ chế chính sách phù hợp, kịp thời, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn.