Thủ tướng Chính phủ: Muốn đi trước đón đầu, phải đi bằng công nghệ mới

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 23/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Phát biểu tại phiên họp tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, muốn chạy nhanh, chạy xa, muốn đi trước đón đầu phải đi bằng công nghệ mới, trong đó cần có ưu đãi cho lĩnh vực chip bán dẫn.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Tổ 8 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Tp. Cần Thơ.

Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng với quan điểm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công nghiệp công nghệ số. Tạo điều kiện để ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển, hình thành quá trình xác lập phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại “phương thức sản xuất số” và mở ra phương thức mới trong quản trị xã hội. Tạo ra những công cụ mới trong quản lý nhà nước, làm thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa nhà nước và công dân. Tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Muốn đi trước đón đầu, phải đi bằng công nghệ mới

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khi tình hình thay đổi, nhiệm vụ thay đổi thì phương thức quản lý, tổ chức cũng phải thay đổi. Pháp luật về công nghệ thông tin trước đây chưa bao gồm các khái niệm mới như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và Internet vạn vật. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là AI, đòi hỏi một khung pháp lý rõ ràng để vừa thúc đẩy, vừa quản lý hiệu quả. Trong bối cảnh đó, việc ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số là cần thiết, bởi chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong phát triển của giai đoạn mới và phải có luật để quản lý.

Chia sẻ về tư duy sửa đổi pháp luật nhanh chóng để cập nhật theo bối cảnh thực tiễn, Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng và sửa đổi pháp luật được thực hiện trên cơ sở tổng kết thực tiễn và nhận thức trong hiện tại, khi nhận thức thay đổi, có vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn thì việc tiếp tục sửa đổi pháp luật cho phù hợp là cần thiết, nên được tiến hành mạnh dạn, kịp thời.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu

Nêu rõ tầm quan trọng của ngành chip bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, muốn chạy nhanh, chạy xa, muốn đi trước đón đầu, phải đi bằng công nghệ mới này. Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực chip bán dẫn, cần có những ưu đãi đặc biệt về đất đai, nguồn cung cấp nước sạch, điện năng, cơ sở hạ tầng và tài chính.

Trong đó, Thủ tướng nêu rõ, ưu đãi về tài chính là một cách thức thu hút nhà đầu tư, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của thế giới mở rộng hoạt động sản xuất chip tại Việt Nam, tạo cơ hội tiếp cận và chuyển giao công nghệ. Song song với ưu đãi tài chính, cần có những hỗ trợ phù hợp để tận dụng tốt ưu thế địa lý, đảm bảo sức thuyết phục với các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, việc thu hút doanh nghiệp lớn phải tính toán kỹ lưỡng lợi ích quốc gia trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Phải lấy lợi ích tổng thể, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết chứ không tính toán lợi ích cụ thể.

Đối với thử nghiệm có kiểm soát, Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm, nếu cứ giữ vòng an toàn của mình thì không gian sáng tạo sẽ hạn chế. Kiểm soát về thời gian mới là điều quan trọng, hiệu quả hơn kiểm soát phạm vi và đối tượng. Nếu tạo ra thí điểm không gian sáng tạo thì phải mở phạm vi và đối tượng thuộc ngành công nghệ số. Nếu không vượt ra được thì vẫn có vòng kim cô, hạn chế không gian sáng tạo.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị luật chỉ quy định khung, nguyên tắc, còn lại giao cho Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quy định để mở rộng không gian sáng tạo, nâng cao hiệu quả quản lý.

Đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật

Đưa ra ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên chỉ rõ, vừa qua Quốc hội đã thông qua một số luật như: Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông... và hiện nay đang trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến như Luật Dữ liệu... cũng có nhiều nội hàm của công nghệ số. Do đó, dự thảo Luật cần xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống luật pháp.

Đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu

Đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu

Đồng thời, một số nội dung lần đầu được quy định ở văn bản luật như tài sản số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, các quy định về nguồn nhân lực công nghệ số, khung năng lực công nghệ số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát... cần được nghiên cứu, làm rõ hơn trong quá trình xây dựng Luật để có tính khả thi cao, gắn với thực tiễn của tình hình cụ thể của nước ta. Một số khái niệm như: công nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, hội tụ công nghệ số, khu công nghệ số… cần được làm rõ hơn cả về định tính và định lượng để có thể xem xét, quyết định áp dụng các chính sách về ưu đãi thuế, đất đai.

Về chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, đại biểu nhận thấy một số nội dung như: nghiên cứu triển khai, hạ tầng, tài chính, nhân lực, thị trường, chuẩn hóa, dữ liệu số còn quy định khá chung chung, chưa có sự đột phá mạnh mẽ, chưa rõ đối tượng áp dụng nên khó triển khai trong thực tiễn. Do đó, cần phải làm sâu sắc hơn, cụ thể hơn những vấn đề này, nhất là những cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi có tính vượt trội, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Bên cạnh đó, những ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư và các cơ chế ưu đãi khác để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số có thể sẽ chưa thống nhất với các Luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành nên cần nghiên cứu và có hướng giải quyết.

Góp ý cho dự thảo Luật, đại biểu Đào Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ cho biết, một số khái niệm trong dự thảo luật được giải thích rất chung chung, chưa rõ bản chất, ví dụ như tại khoản 12 Điều 3: “Dữ liệu số trong công nghiệp công nghệ số là dữ liệu số phục vụ hoạt động công nghiệp công nghệ số.”. Đại biểu đề nghị rà soát về các khái niệm này, đồng thời chuyển các nội dung mang tính chất giải thích từ nghĩ về Điều 3 để đảm bảo tính đồng bộ trong dự thảo Luật.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ phát biểu

Đại biểu Đào Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ phát biểu

Đối với nội dung quản lý, thúc đẩy về dữ liệu số trong công nghiệp công nghệ số, đại biểu cho rằng, cụm từ “thúc đẩy về dữ liệu số” chưa được rõ nghĩa. Do đó, nên điều chỉnh tên Điều 22 là “Quản lý và phát triển dữ liệu số trong công nghiệp công nghệ số”.

Về nội dung hợp tác quốc tế, đại biểu nêu rõ, tại điểm b khoản 2 Điều 30 có quy định: Chủ động tăng cường hợp tác, kết nối với hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn của các đối tác chiến lược. Theo đại biểu, nội dung này nên bỏ cụm từ “tăng cường” vì vấn đề này mang tính chất chủ trương định hướng, còn triển khai trong thực tiễn cũng sẽ có nhiều vấn đề liên quan, chưa lường trước được khó khăn.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đồng tình việc cần thiết quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong dự thảo Luật, nhất là trong lĩnh vực công nghệ tài chính theo hướng khuyến khích, tạo động lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Theo các đại biểu, trong xu thể phát triển vượt trội, như vũ bão của khoa học, công nghệ, có rất nhiều phát minh tưởng chừng như “viễn tưởng” lại có thể trở thành hiện thực. Do đó, rất cần những quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để sớm đưa thành quả nghiên cứu vào thực tiễn và để thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh cho hiệu quả của những phát minh, sáng chế đó.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Đại biểu U Huấn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum điều hành nội dung thảo luận

Đại biểu U Huấn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum điều hành nội dung thảo luận

Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tại phiên thảo luận

Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tại phiên thảo luận

Đại biểu Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ tại phiên thảo luận

Đại biểu Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ tại phiên thảo luận

Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tại phiên thảo luận

Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tại phiên thảo luận

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu

Đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu

Đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu

Đại biểu Đào Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ phát biểu

Đại biểu Đào Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ phát biểu

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ phát biểu

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ phát biểu

Đại biểu U Huấn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum kết luận nội dung thảo luận.

Đại biểu U Huấn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum kết luận nội dung thảo luận.

Hồ Hương - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/su-kien-noi-bat.aspx?itemid=91240
Zalo