Thủ tướng chỉ đạo tăng tốc triển khai giải pháp kích cầu, thúc đẩy tiêu dùng nội địa

Trong bối cảnh từ nay đến cuối năm, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, sản xuất - kinh doanh trong nước còn nhiều khó khăn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp khẩn trương triển khai giải pháp phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Công điện số 121/CĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 26/11/2024 nhấn mạnh, từ đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi tích cực, tăng trưởng được thúc đẩy, lạm phát kiểm soát tốt và các cân đối lớn được đảm bảo. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế dự báo vẫn phức tạp với các rủi ro như xung đột quân sự leo thang, chuỗi cung ứng bị đứt gãy và giá dầu biến động mạnh. Trong nước, tổng cầu còn yếu, nhiều dự án bất động sản và năng lượng gặp khó khăn, sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ bão số 3.

Trước tình hình này, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cùng lãnh đạo các hiệp hội và doanh nghiệp nỗ lực, quyết tâm cao hơn để tháo gỡ khó khăn, tập trung kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và khôi phục sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu tập trung kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và khôi phục sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu tập trung kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và khôi phục sản xuất kinh doanh.

Trong đó, Bộ Công Thương được giao thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn cung cầu, khuyến khích tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa. Bộ cũng cần thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại và kiểm soát hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử để giảm áp lực lên hàng hóa sản xuất nội địa.

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm điều hành chính sách tài khóa hợp lý, phối hợp chặt chẽ với các chính sách tiền tệ nhằm kích cầu tiêu dùng và đẩy nhanh giải ngân các chương trình xúc tiến thương mại. Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ mở rộng tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay, đồng thời giảm lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung bảo đảm nguồn cung hàng nông sản an toàn, chất lượng cao, phối hợp với các địa phương quảng bá sản phẩm OCOP và tiêu thụ nông sản tại các vùng sản xuất lớn.

Bộ Xây dựng thúc đẩy chính sách khuyến khích sử dụng vật liệu xây dựng nội địa, tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, góp phần kích cầu tiêu dùng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các giải pháp kích cầu du lịch, phát triển các sản phẩm đặc thù gắn với chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính để thu hút đầu tư.

Chính quyền địa phương được yêu cầu tăng cường kết nối vùng miền, tổ chức tốt các kênh phân phối và bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu dịp cuối năm. Các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cần chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, đổi mới quản trị, tiết giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh và tổ chức các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng.

Minh Thu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/thu-tuong-chi-dao-tang-toc-trien-khai-giai-phap-kich-cau-thuc-day-tieu-dung-noi-dia/20241127100053172
Zalo