Thủ tướng chỉ đạo ba bộ xử lý kiến nghị về phòng cháy karaoke
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi ba Bộ: Công an, Xây dựng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng về việc xử lý theo thẩm quyền kiến nghị của doanh nghiệp karaoke về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Trước đó, tập thể các doanh nghiệp kinh doanh karaoke các tỉnh, thành phố Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Nghệ An, Hải Phòng, Thanh Hóa đã cùng ký đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, bộ trưởng các Bộ: Công an, Xây dựng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch nêu ra hàng loạt bất cập của quy định phòng cháy chữa cháy đã khiến hàng chục nghìn quán karaoke tại các tỉnh, thành phố 'án binh bất động'.
Theo đơn kiến nghị, sau hơn 2 năm dịch bệnh, thời gian đóng cửa kéo dài, các doanh nghiệp kinh doanh karaoke đã chịu ảnh hưởng nặng nề, không thể thu hồi vốn đã đầu tư…
Tiếp đó, việc bị đình chỉ, tạm đình chỉ vì không bảo đảm an toàn PCCC thời gian qua đã đẩy các doanh nghiệp vào bế tắc vì không có giải pháp tháo gỡ.
Các doanh nghiệp kinh doanh karaoke cho biết, hầu hết các cơ sở kinh doanh karaoke đều hình thành trước khi Nghị định 136 năm 2020 của Chính phủ và Thông tư 147 của Bộ Công an có hiệu lực, đã được cấp đầy đủ giấy phép đảm bảo điều kiện kinh doanh theo quy định pháp luật, trong đó có cả các điều kiện về PCCC&CNCH.
“Thực tiễn các cơ sở kinh doanh karaoke đã được hoạt động và được các cơ quan chức năng kiểm tra định kỳ cũng như đột xuất và vẫn được kết luận là đảm bảo yêu cầu về PCCC theo quy định của pháp luật hiện hành” – đơn kiến nghị nêu.
Nhưng sau đợt kiểm tra theo kế hoạch 513 của Bộ Công an (từ tháng 10/2022 đến nay) thì tất cả cơ sở kinh doanh karaoke đều bị dừng hoạt động. Đoàn kiểm tra liên ngành của các tỉnh, thành phố; PC07 các tỉnh, thành phố; lực lượng cảnh sát PCCC các quận, huyện kết luận không bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy.
Sau khi nhận biên bản kiểm tra, các doanh nghiệp không biết phải sửa chữa cơ sở kinh doanh thế nào, sử dụng vật liệu gì cho đúng quy định pháp luật.
Kể từ thời điểm kiểm tra đến nay đã 6 tháng, các cơ sở kinh doanh karaoke buộc phải đóng cửa. Nhiều cơ sở đã kiến nghị tới cơ quan chức năng địa phương nhưng chưa được phản hồi đúng đủ theo quy định.
Đơn vị chức năng tại một số địa phương hướng dẫn chưa mang chất tháo gỡ, khắc phục các vướng mắc mà mang tính chất đập đi làm lại cho đúng quy định mới vì phải áp dụng các văn bản mới như Nghị định 136/2020, Thông tư 147/2020, QCVN 06:2021, QCVN 06:2022 trong khi các Thông tư, Nghị định, Quy chuẩn trên không điều chỉnh các cơ sở hình thành trước khi các văn bản trên có hiệu lực.
Cả nước hiện có khoảng 20.000 cơ sở kinh doanh karaoke đã được cấp phép hoạt động trong những năm qua. Ước tính, các doanh nghiệp đã bỏ ra khoảng 75.000 tỷ đồng để đầu tư cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, bar.
Để gỡ vướng về phòng cháy chữa cháy, tập thể doanh nghiệp karaoke kiến nghị Thủ tướng, các bộ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đối thoại với các doanh nghiệp kinh doanh karaoke để tìm giải pháp khắc phục.
Bộ Xây dựng hỏa tốc yêu cầu sửa quy chuẩn PCCC
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa có quyết định hỏa tốc giao nhiệm vụ đột xuất cho Viện Khoa học công nghệ xây dựng rà soát, sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Theo quyết định, Bộ trưởng giao Viện Khoa học công nghệ xây dựng chịu trách nhiệm phối hợp với Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) của Bộ Công an và các đơn vị có liên quan tổ chức ngay nhiệm vụ đột xuất rà soát toàn bộ các vướng mắc về an toàn cháy trong hoạt động xây dựng.
Đồng thời, rà soát nội dung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình để xác định rõ các vướng mắc, nguyên nhân.
Từ đó, đề xuất các nội dung cần sửa đổi trong QCVN 06:2022. Đề xuất hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật PCCC cho nhà và công trình.
Cùng với đó, biên soạn sửa đổi QCVN 06:2022 đảm bảo các cơ sở khoa học, phù hợp điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.