Thủ tướng: Cắt giảm chi chưa cần thiết, phấn đấu tiết kiệm 10% chi thường xuyên
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, chi thường xuyên năm 2025 phải chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; cắt giảm nhiệm vụ chi chưa cần thiết, phấn đấu tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên năm 2025 tăng thêm so năm 2024.
Lần đầu thu ngân sách đạt trên 2 triệu tỷ đồng
Chiều 31/12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Đại diện Bộ Tài chính đánh giá, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục phát sinh nhiều bất ổn, khó khăn, thách thức lớn ngoài dự báo. Tuy nhiên, ở trong nước, nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, thể hiện qua những con số ấn tượng như: tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm đạt khoảng 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít nước đạt tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân được củng cố.
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt dự toán, ước đạt khoảng 2.025,4 nghìn tỷ đồng, bằng 119,1% (tăng 324,4 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 15,5% so thực hiện năm 2023.
Chi NSNN ước đến ngày 31/12/2024 đạt khoảng 1.830,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán; trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 78,1% dự toán Quốc hội quyết định; tỷ lệ giải ngân ước đạt 77,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt khoảng 81,9%); chi thường xuyên ước đạt 94,5% dự toán.
Nợ công được quản lý chặt chẽ, thấp hơn ngưỡng cho phép. Đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36-37% GDP (ngưỡng cho phép 60%), nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP (ngưỡng cho phép 50%), nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so thu NSNN khoảng 20-21%...
Tuy nhiên, đại diện bộ này cũng cho hay, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm; sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực vẫn còn nhiều khó khăn; biến đổi khí hậu diễn biến bất thường, mưa bão, sạt lở đất nghiêm trọng diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại lớn về hạ tầng kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Trước khó khăn đó, Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất trình Thủ tướng, Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2024 với tổng quy mô khi ban hành các chính sách dự kiến là khoảng 191 nghìn tỷ đồng.
Kết quả thực hiện (bao gồm các chính sách thi hành từ năm 2023, tiếp tục tác động làm giảm thu NSNN năm 2024) ước đạt khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, miễn, giảm khoảng 99 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 98,3 nghìn tỷ đồng.
Bổ sung các luật thuế và quy định để mở rộng cơ sở thu
Những kết quả trên cũng được Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương trong một năm kinh tế khó khăn ở cả thế giới và trong nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, mở rộng hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; quyết liệt công tác thu, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi thường xuyên NSNN để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ cũng nói rằng, cũng có những hạn chế bộ cần thẳng thắn nhìn nhận và cần giải quyết trong thời tới. Đó là, giải ngân vốn đầu tư công, vốn chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, chưa có nhiều chuyển biến.
Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số nơi còn chưa nghiêm; vẫn còn tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, sai phạm quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, thất thoát, lãng phí tại một số cơ quan, đơn vị.
Việc cơ cấu lại, đổi mới khu vực DNNN nhiều năm chậm. Năm 2024, không có doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Chính phủ đặt ra phương châm điều hành của Chính phủ năm 2025 là "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tạo đà bứt phá".
Năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; năm thứ 5 thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 theo các kết luận, nghị quyết của Đảng, Quốc hội; khó khăn, thách thức phía trước còn nhiều...
Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài chính là rất lớn. "Tôi đề nghị các đồng chí phải quán triệt thực hiện các nhiệm vụ được giaovới những nỗ lực cao nhất, quyết tâm cao nhất", Thủ tướng yêu cầu.
Theo đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành và dự kiến ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch năm 2025 đã đề ra.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế và quy định có liên quan để mở rộng cơ sở thu, các hoạt động thương mại điện tử, khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai, cơ sở hạ tầng.
"Các giải pháp chính sách thuế, phí, lệ phí phù hợp với tình hình thực tế để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tiết giảm chi phí cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội", Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử; quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế.
Đặc biệt, phấn đấu thu NSNN năm 2025 vượt 10% so năm 2024, vượt dự toán Quốc hội quyết định.
Còn về điều hành chi NSNN, Thủ tướng yêu cầu, năm 2025 phải chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, phấn đấu tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên năm 2025 tăng thêm so năm 2024.
Đồng thời, đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, chi khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu.
Tiếp tục củng cố, phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm; tập trung hoàn thành mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025, để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo kênh huy động vốn tốt hơn cho doanh nghiệp.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống gian lận xuất xứ có hiệu quả...
Kế hoạch năm 2025, dự toán thu NSNN là 1,97 triệu tỷ đồng; trong đó: thu nội địa chiếm 84,8%; thu dầu thô chiếm 2,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 11,9%.
Dự toán chi NSNN là 2,5 triệu tỷ đồng; trong đó, chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 31%; dự toán chi thường xuyên chiếm khoảng 60,9%.
Bội chi NSNN là 471,5 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,8% GDP; vay trả nợ gốc là 363,6 nghìn tỷ đồng.