Thủ tướng Bangladesh từ chức, chính phủ lâm thời được thành lập

Ngày 5/8, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina từ chức và rời khỏi đất nước trong bối cảnh nhiều tuần biểu tình phản đối hệ thống hạn ngạch cho các vị trí công việc trong chính phủ trở nên bạo lực.

Người biểu tình kêu gọi Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina từ chức tại Dhaka, Bangladesh ngày 5/8/2024. Ảnh: AP

Người biểu tình kêu gọi Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina từ chức tại Dhaka, Bangladesh ngày 5/8/2024. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, hàng nghìn người đã đổ ra đường trên khắp thủ đô Dhaka để ăn mừng sau khi thông tin bà Hasina từ chức được công bố. Tuy nhiên, tình hình nhanh chóng trở nên bạo lực khi những người biểu tình tấn công, lục soát và đốt cháy một số tòa nhà, trong đó bao gồm nơi ở chính thức của bà Hasina cũng như các tòa nhà chính phủ và biểu tượng liên quan tới đảng của bà.

Nhiều người biểu tình đã lục soát bảo tàng của gia đình Hasina, nơi cha của bà, Tổng thống đầu tiên của Bangladesh Sheikh Mujibur Rahman, bị ám sát. Họ còn đốt các văn phòng chính của đảng cầm quyền và 2 đài truyền hình thân chính phủ, khiến cả hai đều buộc phải ngừng phát sóng. Những người biểu tình cũng tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội và Dinh Tổng thống.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, bạo lực ngay trước và sau khi bà Hasina từ chức đã khiến ít nhất 41 người thiệt mạng và khoảng 200 người khác bị thương. Hơn chục người được cho là đã thiệt mạng khi những người biểu tình đốt cháy một khách sạn thuộc sở hữu của một nhà lãnh đạo trong đảng của bà Hasina ở thị trấn Jashore phía tây nam đất nước.

Trong bối cảnh đó, Tư lệnh quân đội Bangladesh, Tướng Waker-uz-Zamam, trong một buổi họp báo khẩn tuyên bố ông đang tạm thời nắm quyền kiểm soát đất nước và thành lập một chính phủ lâm thời để điều hành quốc gia. Phát biểu trước truyền hình, ông Waker-uz-Zaman trấn an người dân và khẳng định rằng trật tự sẽ được lập lại. Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin cuối ngày 5/8 cũng tuyên bố rằng Quốc hội sẽ giải tán và một chính phủ sẽ được thành lập càng sớm càng tốt để tiến hành các cuộc bầu cử mới.

Về phía bà Hasina, bà đã hạ cánh xuống một thành phố ở Ấn Độ, giáp biên giới với Bangladesh, theo APdẫn lời một quan chức quân sự giấu tên vì ông không được phép tiết lộ thông tin cho giới truyền thông. Hiện chưa rõ điểm đến hay hành động tiếp theo của bà Hasina là gì.

Người biểu tình tại một đài tưởng niệm ăn mừng việc Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức ngày 5/8/2024 tại Dhaka, Bangladesh. Ảnh: AP

Người biểu tình tại một đài tưởng niệm ăn mừng việc Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức ngày 5/8/2024 tại Dhaka, Bangladesh. Ảnh: AP

Phản ứng trước tình hình tại Bangladesh, phó phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Farhan Haq dẫn lời Tổng thư ký Antonio Guterres kêu gọi một quá trình chuyển đổi hòa bình cũng như “một cuộc điều tra đầy đủ, độc lập, công bằng và minh bạch về mọi hành vi bạo lực”.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, phát biểu với các phóng viên ở Washington rằng nước này hoan nghênh sự thành lập một chính phủ lâm thời và kêu gọi “sự bình tĩnh và kiềm chế trong những ngày tới”.

Các cuộc biểu tình bắt đầu một cách ôn hòa từ tháng 7 khi các sinh viên tại Bangladesh bày tỏ sự thất vọng, đồng thời yêu cầu chính phủ chấm dứt hệ thống hạn ngạch đối với các công việc trong chính phủ được họ cho là ưu tiên những người có mối liên hệ với đảng Liên đoàn Awami của Thủ tướng Hasani. Hệ thống này sẽ dành tới 30% công việc trong chính phủ cho các thành viên thuộc gia đình của các cựu chiến binh đã chiến đấu trong cuộc chiến giành độc lập của Bangladesh chống lại Pakistan.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình nhanh chóng trở nên bạo lực tại Bangladesh trong bối cảnh kinh tế khó khăn, xuất khẩu sụt giảm và ngoại hối cạn kiệt. Sự bất ổn vẫn tiếp diễn ngay cả sau khi Tòa án Tối cao Bangladesh vào tháng trước ra phán quyết rằng hệ thống hạn ngạch phải bị cắt giảm mạnh mẽ. Tình trạng này đã dẫn đến việc đóng cửa các trường học và đại học trên khắp đất nước, khiến nhiều người bị thương cũng như thiệt mạng và thậm chí dẫn tới việc chính phủ áp đặt lệnh giới nghiêm vào một số thời điểm.

 Một trung tâm thương mại bị đốt cháy trong cuộc biểu tình ngày 4/8/2024 tại Dhaka, Bangladesh. Ảnh: AP

Một trung tâm thương mại bị đốt cháy trong cuộc biểu tình ngày 4/8/2024 tại Dhaka, Bangladesh. Ảnh: AP

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thu-tuong-bangladesh-tu-chuc-chinh-phu-lam-thoi-duoc-thanh-lap-32081.html
Zalo