Thủ tướng Anwar Ibrahim chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Malaysia

Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 25-5, Thủ tướng Chính phủ Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân đã chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Malaysia và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các Hội nghị Cấp cao liên quan từ ngày 24 đến ngày 28-5.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Malaysia. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Malaysia. Ảnh: TTXVN

Lễ đón được tổ chức trang trọng tại Quảng trường Perdana ngay trước Phủ thủ tướng ở Thủ đô Kuala Lumpur. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Malaysia sau 10 năm và là chuyến thăm Malaysia đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào tháng 11-2024.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, quan hệ Việt Nam và Malaysia ngày càng phát triển tích cực, tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là từ khi nâng cấp lên thành quan hệ Đối tác chiến lược vào tháng 8-2015 và trở thành Đối tác chiến lược toàn diện của nhau vào tháng 11-2024.

Quan hệ chính trị - ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước còn được đánh dấu bởi các cuộc trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội và giao lưu nhân dân. Các cơ chế hợp tác song phương luôn được lãnh đạo hai nước quan tâm thúc đẩy và duy trì. Hai nước phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)…

Hợp tác kinh tế, thương mại là một trong những điểm sáng trong quan hệ hai nước. Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong khối ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Việt Nam trên thế giới. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước không ngừng gia tăng, đạt 14,2 tỷ USD năm 2024, phấn đấu đạt mục tiêu 18 tỷ USD vào năm 2025. Malaysia hiện là nhà đầu tư đứng thứ 10/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đăng ký 13 tỷ USD.

Hợp tác an ninh - quốc phòng giữa hai nước cũng không ngừng được đẩy mạnh; các lĩnh vực lao động, văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân… cũng ghi nhận nhiều kết quả tốt đẹp. Trong đó, gần 40 ngàn người Việt tại Malaysia là cầu nối góp phần thúc đẩy quan hệ truyền thống giữa hai nước ngày một tốt đẹp hơn.

Trên nền tảng quan hệ tốt đẹp, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng, vừa thúc đẩy tình đoàn kết giữa các nước ASEAN, vừa thể hiện chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam là coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị và Đối tác chiến lược toàn diện với Malaysia.

Chuyến thăm góp phần củng cố nền tảng chính trị và tiếp thêm động lực thúc đẩy hơn nữa hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, hai bên sẽ cùng trao đổi thống nhất các định hướng lớn, biện pháp cụ thể nhằm triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mới thiết lập giữa hai nước, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

* Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn Lãnh đạo và Đối tác ASEAN. Tại diễn đàn, Viện Nghiên cứu chiến lược châu Á - Thái Bình Dương (KSI) đã vinh danh Thủ tướng là Nhà Lãnh đạo ASEAN tiêu biểu năm 2025.

Diễn đàn Lãnh đạo và đối tác ASEAN (ALPF) là sự kiện thường niên mang ý nghĩa chiến lược quan trọng, do Viện Nghiên cứu chiến lược châu Á - Thái Bình Dương, tổ chức tư vấn chính sách và nghiên cứu quốc tế hàng đầu tại Malaysia, cùng các đối tác như Câu lạc bộ Kinh tế ASEAN phối hợp tổ chức.

Cùng tham dự Diễn đàn năm nay có đại diện các nước và Hiệp hội ASEAN, cộng đồng doanh nghiệp ASEAN và khu vực. Diễn đàn không chỉ là nơi các đại biểu nhìn nhận lại những thách thức toàn cầu mà còn là cơ hội để cùng nhau định hình một tương lai ASEAN thịnh vượng, tự cường và bền vững hơn.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hiện nay tình hình thế giới diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều nước thay đổi chính sách, nhiều vấn đề mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu mà không nước nào tự giải quyết được một mình. Trong bối cảnh đó, không có cách nào khác là càng phải đoàn kết hơn, đoàn kết giữa các nước, các doanh nghiệp, đề cao chủ nghĩa đa phương để cùng chung tay, chung sức, đồng lòng, tham gia giải quyết các vấn đề của thế giới, trong đó có vấn đề của nước mình, doanh nghiệp mình, góp phần thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển bình đẳng giữa các dân tộc, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng nhấn mạnh sứ mệnh quan trọng, tiên phong của doanh nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu chung là xây dựng ASEAN tự cường, phát triển nhanh, bền vững, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân ASEAN, không ai bị bỏ lại phía sau.

Về những việc phải làm, Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp phải tăng cường kết nối với nhau, qua đó kết nối các nền kinh tế ASEAN và ASEAN với thế giới; góp phần xây dựng thể chế, chính sách theo hướng hài hòa hóa giữa các nước ASEAN và với các nước trên thế giới; kết nối các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất bị đứt gãy, ảnh hưởng trong thời gian qua; kết nối đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng để ứng phó tình hình, tránh việc phụ thuộc vào một thị trường hay một địa bàn; kết nối đẩy mạnh hợp tác công tư; kết nối phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, số là trụ đỡ của nền kinh tế.

Để doanh nghiệp làm những việc trên, Thủ tướng nêu rõ, các nhà nước, chính phủ các nước phải phát huy vai trò kiến tạo, thiết kế và thực thi chính sách để bảo đảm ổn định, tạo môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển; từ đó tạo điều kiện cho phát triển nhanh, bền vững, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng nhấn mạnh trước khó khăn, thách thức, phải giữ vững bình tĩnh, kiên trì, kiên định, bản lĩnh, phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, vừa làm vừa mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, coi khó khăn, thách thức là cơ hội để tái cấu trúc các doanh nghiệp, tái cấu trúc nền kinh tế các nước và kinh tế ASEAN, tái cơ cấu thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng.

Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian chia sẻ về những thành tựu quan trọng, nổi bật mà Việt Nam đạt được sau 40 năm đổi mới và trong thời gian vừa qua; đồng thời chia sẻ về những định hướng lớn của Việt Nam trong thời gian tới để phát triển nhanh, bứt phá, bền vững, tăng trưởng GDP từ 8% trong năm 2025 và đạt mức 2 chữ số trong những năm tới…

TTXVN

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/the-gioi/202505/thu-tuong-anwar-ibrahim-chu-tri-le-don-chinh-thuc-thu-tuong-pham-minh-chinh-tham-malaysia-cf13ad0/
Zalo