Thủ tướng Anh mắng tỷ phú Elon Musk
Thủ tướng Keir Starmer chỉ trích những người 'lan truyền thông tin sai lệch và dối trá' về các băng nhóm dụ dỗ trẻ em ở Vương quốc Anh. Phát biểu được đưa ra sau khi tỷ phú Elon Musk gây sóng gió với hàng loạt bài đăng để chỉ trích nhà lãnh đạo Anh.
"Những kẻ lan truyền lời nói dối và thông tin sai lệch không quan tâm đến nạn nhân, họ chỉ quan tâm đến bản thân mình", Thủ tướng Starmer nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 6/1 (theo giờ Anh).
Trong nhiều ngày qua, người giàu nhất thế giới đã sử dụng mạng xã hội X để khơi lại vụ bê bối kéo dài nhiều năm về tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em ở một số vùng của Anh cách đây nhiều năm.
Trong một bài đăng, ông Musk kêu gọi Vua Charles III giải tán quốc hội và yêu cầu tổ chức một cuộc bầu cử mới. Trong một bài đăng khác, ông kêu gọi bỏ tù Bộ trưởng Bộ Bảo vệ phụ nữ và trẻ em Jess Philips.
"Chúng ta đã thấy vở kịch này nhiều lần, kích động đe dọa và bạo lực, muốn truyền thông xã hội khuếch đại nó. Khi chất độc của phe cực hữu dẫn đến những mối đe dọa nghiêm trọng đối với Jess Phillips và những người khác, tôi cho rằng điều đó đã vượt qua giới hạn", ông Starmer nói.
Thủ tướng Anh cho biết ông thích “sự đấu tranh chính trị”, nhưng tranh luận phải “dựa trên sự thật và thực tế, không phải trên những lời nói dối”.
Ông cũng chỉ trích các chính trị gia Bảo thủ vì “chạy theo trào lưu” và “quá tuyệt vọng vì muốn được chú ý đến mức sẵn sàng hạ thấp bản thân và đất nước của mình”.
Ngày 6/1, nghị sĩ Anh Ed Davey kêu gọi chính phủ triệu tập đại sứ Mỹ vì những phát ngôn của ông Musk.
“Mọi người đã quá chán ngán việc Elon Musk can thiệp vào nền dân chủ của đất nước chúng ta khi ông ta không biết gì về nước Anh. Đã đến lúc triệu tập đại sứ Mỹ để hỏi tại sao một viên chức Mỹ sắp nhậm chức lại đề xuất lật đổ Chính phủ Anh", ông Davey viết trong bài đăng trên mạng xã hội X. Ông là lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do - đảng lớn thứ ba tại Anh.
Ông Davey cho rằng đại sứ Mỹ nên truyền đạt với chính phủ ở Washington rằng những người ở cấp cao cần phải "rất cẩn thận về cách họ bình luận về các vấn đề của Anh, cho dù họ là người giàu nhất thế giới hay bất kỳ ai khác".
Tỷ phú Musk cáo buộc ông Starmer "đồng lõa trong vụ cưỡng hiếp nước Anh" vì không ngăn chặn được các băng nhóm lạm dụng khi ông là người đứng đầu cơ quan công tố quốc gia.
Thủ tướng Starmer kiên quyết bảo vệ những gì ông đã làm trên cương vị lãnh đạo cơ quan công tố. Ông khẳng định đã thay đổi "toàn bộ cách tiếp cận", giúp các nạn nhân được lắng nghe và thực hiện số vụ truy tố hành vi lạm dụng tình dục trẻ em cao kỷ lục.
Báo cáo được đưa ra từ năm 2014 cho biết, khoảng 1.400 trẻ em đã bị các băng nhóm ở thị trấn Rotherham, miền bắc nước Anh, lạm dụng trong giai đoạn từ năm 1997 - 2013.
Phe cực hữu ở Anh từ lâu đã lợi dụng vụ bê bối này để đề cao chủ trương chống nhập cư, nhấn mạnh rằng phần lớn thủ phạm của các băng nhóm đều là người Nam Á.
Chính phủ của Thủ tướng Starmer gần đây bác bỏ một cuộc điều tra toàn quốc về các băng nhóm vì đã có nhiều cuộc điều tra về vấn đề này.
Sau khi hỗ trợ ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, tỷ phú Musk ngày càng tham gia nhiều hơn vào chính trị của các quốc gia khác.
Tháng trước, ông ủng hộ đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD), vào thời điểm người dân Đức đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào tháng 2. Nhiều nhà lãnh đạo Đức đã lên tiếng chỉ trích hành động này.
Khi được hỏi về các đoạn đăng của tỷ phú Musk, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với truyền thông Đức ngày 6/1: "Đừng tiếp tay cho bọn chơi khăm".
Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu khác cũng đã bày tỏ lo ngại về sự can thiệp của Musk. Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store gọi đây là diễn biến "đáng lo ngại".
Ngày 6/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu với các đại sứ Pháp tại Paris: "Nếu chúng ta được thông báo chủ sở hữu của mạng xã hội lớn nhất sẽ ủng hộ một phong trào phản động quốc tế và can thiệp trực tiếp vào các cuộc bầu cử, trong đó có Đức, ai sẽ tin điều đó?”.