Thủ tướng ấn nút khởi công cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu, nối Trà Vinh - Sóc Trăng
Trong niềm hân hoan của người dân Trà Vinh, Sóc Trăng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cùng lãnh đạo địa phương, các bộ, ngành ấn nút khởi công xây dựng cầu Đại Ngãi - cây cầu thứ ba bắc qua sông Hậu.
Sáng 15/10, tại điểm đầu dự án cầu Đại Ngãi (giao với quốc lộ 54) thuộc xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND hai tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng chính thức khởi công gói thầu 11-XL - Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi 2 trên quốc lộ 60 thuộc địa phận hai tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng.
Hoàn thành vào cuối năm 2025
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: "Chúng ta đã xác định ba đột phá chiến lược, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông. Để triển khai, Đảng, Nhà nước đã dành vốn ưu đãi để phát triển. Nhiệm kỳ này chúng ta đã dành ít nhất 100.000 tỷ đồng đầu tư giao thông kết nối vùng, kết nối 6 vùng kinh tế trọng điểm.
Trong nhiệm kỳ này Bộ Chính trị đã xây dựng 6 nghị quyết để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo anh ninh của các vùng, trong đó có vùng ĐBSCL.
Chúng ta đang huy động được sức mạnh tổng hợp và phát huy hiệu quả do triển khai có trọng tâm trọng điểm. Quyết liệt thực hiện và thường xuyên tháo gỡ những khó khăn vướng mắc".
Thủ tướng đánh giá, vùng ĐBSCL có vai trò chiến lực về kinh tế, an ninh xã hội. Đây cũng là vùng đất trù phú, giàu tiềm năng, phong phú về văn hóa bản sắc. Dù vậy, Thủ tướng vẫn nhìn nhận cái yếu nhất của vùng là giao thông. Trong đó có cả giao thông trong nội vùng và kết nối với các vùng trọng điểm khác.
Theo Thủ tướng, điểm yếu này phải tập trung giải quyết có trọng tâm trọng điểm mới phát triển bền vững. Ngoài các cao tốc đã và đang được triển khai trên khắp đồng bằng, Thủ tướng lưu ý vùng cũng cần phát triển đường thủy nội địa để tận dụng lợi thế.
Đối với đường hàng không, Thủ tướng giao Bộ GTVT và yêu cầu sớm nâng cấp sân bay Phú Quốc, Cà Mau và sớm nghiên cứu đề xuất dự án đường sắt.
"Đây là nhiệm vụ khó, nặng nề nhưng không thể không làm. Không làm được thì chúng ta không thể đột phá. Các bộ, ngành, địa phương phải tự lực, tự cường đi lên từ nội lực đổi mới tư duy sáng tạo, huy động sức mạnh từ nhân dân", Thủ tướng chỉ đạo.
Đối với tiến độ thực hiện cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60, Thủ tướng cho biết đây là tuyến quốc lộ huyết mạch kết nối các tỉnh trong vùng với miền đông, TP.HCM.
Bên cạnh đó, Thủ tướng biểu dương các bộ, ngành đã rút ngắn thời gian triển khai trong 11 tháng. Hai tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh đã giải phóng mặt bằng sớm tiến độ.
"Chính phủ cảm ơn nhân dân, nơi dự án đi qua đã sớm di dời nơi ăn chốn ở, sinh kế của mình để triển khai dự án", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GTVT, bộ, ngành liên quan, nhà thầu thi công vận dụng các biện pháp thi công mới, cố gắng kết thúc dự án vào cuối năm 2025.
12 tháng thần tốc triển khai
Báo cáo tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực để tập trung đầu tư nhiều công trình giao thông quy mô lớn nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực Tây Nam Bộ đồng bộ, hiện đại.
Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã dành nguồn lực khoảng 96.000 tỷ đồng để tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo điều kiện giao thông thông suốt, thuận lợi giữa các địa phương trong khu vực cũng như kết nối với TP.HCM. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của vùng ĐBSCL.
Quốc lộ 60 là trục giao thông phía đông của ĐBSCL, kết nối các tỉnh duyên hải vùng với TP.HCM, có vai trò đặc biệt quan trọng.
Những năm gần đây, trên tuyến quốc lộ 60 đã và đang được đầu tư và đưa vào khai thác một số công trình lớn như cầu Rạch Miễu 1, Rạch Miễu 2, cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên. Dự án nâng cấp bốn đoạn tuyến quốc lộ 60 từ cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên, hoàn thành năm 2020.
Trên đà phát triển đó, dự án xây dựng cầu Đại Ngãi được triển khai từ Quyết định số 1478 ngày 28/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.
Ngày 22/7/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định số 787 về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.
Dự án cầu Đại Ngãi được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1703 ngày 23/12/2022.
Sau hơn 12 tháng triển khai, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả, trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, tinh thần làm việc khẩn trương, tập trung, trách nhiệm cao nhất của các cơ quan, đơn vị liên quan, dự án cầu Đại Ngãi đã đủ điều kiện khởi công theo đúng quy định.
Đây là dự án nhóm A, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt với tổng mức đầu tư 7.962,148 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư bằng ngân sách Nhà nước do Ban Quản lý dự án 85 – Bộ GTVT làm chủ đầu tư dự án.
Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 15,14km, điểm đầu giao với quốc lộ 54, thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; Điểm cuối giao với quốc lộ Nam Sông Hậu, thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.
Tại lễ khởi công, ông Lê Bảo Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng số 1-CTCP - đại diện liên danh nhà thầu cam kết với Thủ tướng, người dân sẽ tập trung mọi nguồn lực để tổ chức thi công quyết liệt, khoa học, đáp ứng quy trình kỹ thuật, đảm bảo tính mỹ thuật, quyết tâm hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
Chấp hành nghiêm túc và sử dụng chặt chẽ, đúng mục đích nguồn vốn, vật tư, vật liệu, không để xảy ra thất thoát lãng phí tiêu cực, đảm bảo dự án đạt hiệu quả kinh tế cao.
Phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương trên địa bàn các tỉnh - thành phố có dự án đi qua, nhằm giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thi công dự án.
Tôn trọng, bảo vệ lợi ích và phong tục tập quán tín ngưỡng của nhân dân địa phương, chú trọng giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn, khu vực thi công.
Rút ngắn 80km từ các tỉnh ven biển Tây Nam về TP.HCM
Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi gồm hai công trình cầu chính (cầu Đại Ngãi 1 và Đại Ngãi 2) được đầu tư hoàn chỉnh với bốn làn xe. Phần tuyến đầu tư phân kỳ với giai đoạn 1 gồm hai làn xe với bề rộng mặt cắt ngang là 12m, vận tốc thiết kế 80km/h, mặt đường cấp cao A1.
Cầu Đại Ngãi 1 có chiều dài 2.560m, mặt cắt ngang cầu rộng cầu 19m. Phần cầu chính dạng kết cấu cầu dây văng, chiều dài nhịp chính là 450m lớn thứ hai Việt Nam (sau cầu Cần Thơ dài 550m và bằng cầu Vàm Cống). Cầu có khổ thông thuyền rộng 300m, trong đó luồng chính khổ thông thuyền là 160x45m và hai luồng hai bên 70x37,5m.
Cầu Đại Ngãi 2 dài 862m, mặt cắt ngang cầu rộng cầu là 17,5m, cầu chính dạng kết cấu cầu đúc hẫng với tổng chiều dài 330m, khổ thông thuyền là 120x11m.
Tuyến đường trên dự án được thiết kế theo quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh quy mô bốn làn xe với nền đường rộng 20,5m. Giai đoạn phân kỳ quy mô hai làn xe với nền đường rộng 12m.
Về phần cầu trên tuyến, giai đoạn hoàn chỉnh quy mô bốn làn xe, gồm hai đơn nguyên cầu với bề rộng 10,5m. Giai đoạn phân kỳ đầu tư một đơn nguyên với quy mô hai làn xe rộng 10,5m.
Kết cấu mặt đường cấp cao với bảy nút giao, trong đó năm nút dạng giao bằng và hai nút giao bố trí nhánh tách nhập làn để kết nối với đường chui dưới cầu Đại Ngãi 1.
Công tác giải phóng mặt bằng được tách thành tiểu dự án riêng do Trà Vinh và Sóc Trăng thực hiện, tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 446 tỷ đồng. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết công tác bồi hoàn, giải phóng mặt bằng hiện đã cơ bản hoàn tất. Trong đó, Sóc Trăng hoàn thành 100%, Trà Vinh 97%.
Dự án dự kiến gồm hai gói thầu xây lắp: Gói thầu số 11-XL (cầu Đại Ngãi 2), tuyến và các công trình trên tuyến và gói thầu còn lại - cầu Đại Ngãi 1. Hai gói thầu này đã bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công; Đảm bảo an toàn hàng hải.
Đối với gói thầu xây lắp còn lại (cầu Đại Ngãi 1), Ban Quản lý dự án 85 đang thực hiện thiết kế kỹ thuật.
Cầu Đại Ngãi khi hoàn thành sẽ giúp rút ngắn khoảng 80km khi đi từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TP.HCM, đưa kinh tế - xã hội của hai tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và khu vực Tây Nam Bộ ngày càng đi lên và đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực ven biển phía Nam.