Thủ tướng: 80 dự án khởi công, khánh thành thể hiện sự vượt lên mạnh mẽ của đất nước
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, việc khởi công, khánh thành 80 dự án, công trình lớn trọng điểm ngày hôm nay (19/4) thể hiện đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vượt lên mạnh mẽ của đất nước.
Những công trình "biểu tượng" định vị hình ảnh Việt Nam trên bản đồ thế giới
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Hòa chung không khí phấn khởi của cả nước chuẩn bị chào mừng ngày lễ lịch sử 50 năm giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, tri ân đồng bào, đồng chí đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chính phủ tổ chức lễ khởi công, khánh thành trực tuyến 80 dự án, công trình lớn, trọng điểm, trải dài 3 miền Bắc - Trung - Nam. Tổng vốn đầu tư khoảng 450.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Trong đó, trong đó, có 47 công trình với quy mô lớn, đóng vai trò rất quan trọng phục vụ phát triển KT-XH như: 5 dự án đường bộ cao tốc với chiều dài 227km hoàn thành/thông xe, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước đưa vào khai thác đạt 2.268km; Hồ chứa nước Krong Pách Thượng (Đắk Lắk) phục vụ tưới tiêu cho trên 14.000ha và cấp nước sinh hoạt cho hơn 100.000 hộ dân; Trung tâm Y tế Quân - Dân y huyện Côn Đảo... và đưa vào sử dụng một số công trình giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao.
"Đặc biệt, chúng ta rất vui mừng chứng kiến nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng đúng dịp lễ trọng đại của đất nước, vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch.
Điều này kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới tiến độ xây dựng sân bay quốc tế Long Thành để cơ bản hoàn thành trong năm 2025", Thủ tướng nói.
"Bên cạnh 47 dự án khánh thành, dịp này, 33 công trình với quy mô lớn cũng được khởi công. Đây sẽ là những công trình quan trọng, những công trình có tính "biểu tượng" góp phần định vị hình ảnh Việt Nam "Độc lập - Hòa bình - Thống nhất - Tự cường - Hạnh phúc - Ấm no - Văn minh - Thịnh vượng" trên bản đồ thế giới và mang lại lợi ích cho người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, khát vọng độc lập, tự do và hòa bình vốn là lý tưởng thiêng liêng của dân tộc đã trở thành hiện thực vào mùa xuân năm 1975, khi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà, là giấc mơ cháy bỏng của bao thế hệ người Việt Nam, được đánh đổi bằng máu xương, hy sinh và biết bao mất mát, nhưng cũng là niềm tự hào bất diệt của dân tộc ta.
"Chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển sau thống nhất là hành trình của bản lĩnh, trí tuệ và ý chí Việt Nam.
Chúng ta không chỉ tưởng nhớ về một thời chiến tranh gian khổ, mà còn nhìn lại để tiếp thêm niềm tin và động lực vươn tới tương lai, một tương lai của đất nước văn minh, hùng cường, thịnh vượng.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu đến năm 2025 - cột mốc kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam phải trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp.
Để đạt được điều đó, chiến lược ưu tiên là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; triển khai các công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, hạ tầng số, viễn thông; thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu và thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đề cập đến mục tiêu Đại hội XIII của Đảng là đến năm 2025, Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, đến nay, nhiều chỉ tiêu quan trọng đã đạt được. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đã vượt mốc 5.000 USD.
Trong lĩnh vực hạ tầng, nếu không có biến động lớn, hàng loạt mục tiêu chiến lược về hạ tầng kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh sẽ hoàn thành trong năm 2025.
"Phấn đấu thực hiện thành công hai mục tiêu lớn: tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, đồng thời hoàn thiện kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, chúng ta đang ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng đạt khoảng 8% vào năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số cho những năm tiếp theo.
Một trong những giải pháp then chốt là đẩy nhanh đầu tư công, dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội. Nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, chúng ta đang chứng kiến những công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp được khởi công và hoàn thành đồng loạt trên cả nước", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ cùng các đại biểu thực hiện nghi thức phát lệnh khởi công, khánh thành 80 dự án, công trình trọng điểm trên cả nước (Ảnh: Phan Tư).
Sáu ý nghĩa chiến lược
Khẳng định về vai trò của các dự án khánh thành, khởi công hôm nay, 6 ý nghĩa được người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ.
Thứ nhất là ý nghĩa chiến lược, hiện thực hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phát triển hạ tầng chiến lược toàn diện, bao trùm, khắc phục các điểm nghẽn về giao thông, hạ tầng KT-XH, tạo nền tảng và không gian phát triển mới, bảo vệ an ninh - quốc phòng cho các địa phương, các vùng miền và cả nước, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Thứ hai, khơi dậy và củng cố niềm tin, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với quan điểm "Dân là gốc" của Đảng, Nhà nước ta; Sự chung sức, đồng lòng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư.
Thứ ba là khẳng định giá trị văn hóa của Việt Nam "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là có kết quả cụ thể, đo lường, lượng hóa, cân đong đo đếm được", góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn đối với doanh nghiệp, người dân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ tư là thể hiện khát vọng, tự tin, bản lĩnh, giá trị cốt lõi con người Việt Nam, bản lĩnh kiên cường với tinh thần "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể"; tinh thần đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vượt lên mạnh mẽ của đất nước và Nhân dân ta.
Thứ năm, tạo đột phá về kết nối kinh tế, liên kết vùng, liên kết quốc gia, liên kết quốc tế; kết nối rộng khắp, đồng bộ, toàn diện, nâng cao hiệu quả khai thác hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo ra giá trị gia tăng của đất, rừng, sông, nước... góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân các vùng có dự án, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thứ sáu là đề cao trách nhiệm, lòng yêu nước với sự nỗ lực vượt bậc, chủ động, tích cực, sáng tạo, quyết liệt, làm việc không ngừng nghỉ của các chủ thể có liên quan, nhất là các công nhân trên công trường.

Cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng (Ảnh: Hà Vũ).
Phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ các dự án mới khởi công
Với tinh thần "đã cố gắng thì càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết thì càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm thì càng quyết tâm cao hơn nữa; đã hiệu quả rồi thì càng hiệu quả hơn nữa" để phát huy hiệu quả đầu tư các dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương là cơ quan chủ quản các dự án và các chủ đầu tư khẩn trương tổ chức vận hành, khai thác để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các dự án hoàn thành.
Các địa phương cũng được yêu cầu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là những gia đình đã nhường đất cho dự án, bảo đảm người dân có điều kiện sống tốt hơn, an cư lạc nghiệp; tận dụng tối đa lợi thế của các dự án để quy hoạch và phát triển không gian mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bao trùm, toàn diện; không để ai bị bỏ lại phía sau.
"Đối với các công trình, dự án khởi công, các chủ đầu tư, nhà thầu khẩn trương huy động thiết bị, nhân lực để triển khai thi công ngay các dự án, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng, không đội vốn, sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư;
Các địa phương phải tập trung công tác giải phóng mặt bằng, hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà thầu giải quyết nhanh các thủ tục về mỏ vật liệu, đổ thải để chủ động triển khai dự án đúng kế hoạch, mục tiêu;
Quá trình triển khai dự án, các đơn vị thực hiện "3 có, 2 không". Trong đó, "3 có" là có lợi ích của Nhà nước, có lợi ích của người dân, có lợi của doanh nghiệp. "2 không" không tham nhũng, tiêu cực và không để thất thoát, lãng phí tài sản, công sức, tiền bạc của Nhân dân", Thủ tướng chỉ đạo.
Đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển nhà ở xã hội, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương phấn đấu hiện thực hóa chủ trương xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội trước năm 2030; cơ bản hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 để mọi người dân đều được hưởng niềm vui có nhà, có chỗ ở ổn định, khang trang, an cư lạc nghiệp sau 80 năm độc lập của dân tộc.