Thủ tục thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

Anh Việt là con trai út trong gia đình có 4 người con. 3 người con lớn lập gia đình, ra ở riêng, vợ chồng anh Việt sống cùng cha mẹ. Vì vậy, mọi công việc từ chăm sóc cha mẹ già đến ruộng đồng, vườn tược... đều do một tay vợ chồng anh Việt lo liệu.

Trước đây, khi cha mẹ còn sống, được sự đồng thuận của cả gia đình, vợ chồng anh Việt đứng ra xây dựng lại căn nhà và làm “sổ đỏ” đối với 400m² đất ở như hiện tại. Tuy “sổ đỏ” đứng tên cha mẹ nhưng công sức, tài chính để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đều do vợ chồng anh Việt đảm nhiệm.

Cách đây 4 năm, cha mẹ qua đời, không để lại di chúc. Nay các anh chị yêu cầu chia thừa kế đối với 400m² đất ở đứng tên cha mẹ anh Việt trong “sổ đỏ”. Vợ chồng anh Việt không biết sẽ chia như thế nào? Thủ tục pháp lý ra sao... nên nhờ tôi tư vấn.

Thông tin từ vợ chồng anh Việt cung cấp và các thành viên trong gia đình đều xác nhận căn nhà do vợ chồng anh Việt xây dựng. Do vậy, theo quy định tại Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì đây là những tình tiết sự kiện không phải chứng minh về sở hữu căn nhà của vợ chồng anh Việt.

Hiện tại, 400m² đất ở đã có “sổ đỏ” (đứng tên cha mẹ anh Việt). Cha mẹ qua đời không để lại di chúc thì phát sinh thừa kế theo pháp luật. Việc phân chia di sản ở đây chỉ đơn giản là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (4 anh chị em anh Việt) đến phòng công chứng để làm và công chứng biên bản phân chia di sản thừa kế. Khi đi làm biên bản thì cần các tài liệu chứng minh mối quan hệ với người chết, giấy khai tử của cha mẹ và “sổ đỏ”.

Theo Án lệ số 05/2016/AL của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, vợ chồng anh Việt là người quản lý, có công chăm sóc cha mẹ, có rất nhiều công sức, chi phí để tôn tạo khối di sản thừa kế và giá trị tăng lên trong nhiều năm tính đến thời điểm mở thừa kế thì được hưởng di sản bằng một kỷ phần chia thừa kế theo quy định tại khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 về phân chia di sản theo pháp luật. Như vậy, trong trường hợp này, 400m² đất của cha mẹ anh Việt được chia làm 5 kỷ phần bằng nhau: Anh Việt nhận 2 kỷ phần, 3 người còn lại mỗi người nhận 1 kỷ phần. Theo khoản 2 Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015, 4 anh chị em anh Việt có quyền yêu cầu chia di sản bằng hiện vật hoặc bán di sản để chia bằng tiền.

Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú thì niêm yết tại UBND cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó.

Đồng thời, trong trường hợp di sản là bất động sản thì niêm yết tại UBND cấp xã, nơi có bất động sản của người để lại di sản. Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo Điều 18 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP và Điều 57 Luật Công chứng 2014. Khi đã làm xong biên bản phân chia di sản thừa kế thì những người được chia mang biên bản này đến văn phòng đăng ký đất đai để đăng ký biến động quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 2 Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT về hồ sơ địa chính do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Sau khi nghe tôi giải thích, vợ chồng anh Việt cho biết: "Trong ngày giỗ cha tới đây, tôi sẽ mời các anh chị họp bàn để xác định rõ khối di sản thừa kế, việc quản lý và lập thành văn bản theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện công khai, minh bạch việc này để tránh nảy sinh tranh chấp trong việc quản lý, phân chia di sản, đồng thời giúp mối quan hệ trong gia đình càng thêm gắn kết".

Luật sư ĐĂNG TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/thu-tuc-thoa-thuan-phan-chia-di-san-thua-ke-784996
Zalo