Thủ tục thanh toán tiền mua thuốc bảo hiểm y tế còn lắm gian nan
Trong 2 năm qua, thiếu thuốc, vật tư y tế đã trở thành gánh nặng oằn lưng với rất nhiều người bệnh, đặc biệt là người bệnh nghèo khi họ phải chi tiền túi ra ngoài mua thuốc.
Nhiều ý kiến phản ánh của người bệnh được gửi tới cơ quan chức năng, ngày 18/10 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 22/2024/TT-BYT quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh. Thông tư có hiệu lực từ 1/1/2025, được coi là “cứu cánh” cho hàng chục triệu người bệnh trên cả nước. Tuy nhiên, để người bệnh thanh toán được tiền thuốc đã chi ra là một chặng đường dài, đặc biệt, không phải loại thuốc, vật tư y tế nào đi mua ngoài cũng được thanh toán.
Người nghèo có mòn mỏi chờ thanh toán?
Cầm đơn thuốc bác sĩ kê ra phố Phủ Doãn, đối diện với cổng Bệnh viện Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) mua thuốc cho bố đang điều trị căn bệnh ung thư đại tràng di căn, đã phẫu thuật, đang bị viêm phổi, con trai bệnh nhân N.V.H (79 tuổi, Bắc Giang) băn khoăn và lo lắng khi mỗi ngày gia đình phải chi tiền túi hơn 3 triệu đồng để mua thuốc. Hơn 20 ngày kể từ khi nhập viện điều trị, gia đình anh đều phải chi tiền túi mua thuốc với chi phí rất lớn. Những ngày đầu đơn thuốc phải mua ngoài hết 6 triệu, khi bệnh đỡ hơn đơn thuốc giảm xuống còn hơn 3 triệu đồng.
Một bệnh nhân khác cũng bị ung thư tiền liệt tuyến, khi kê đơn cho bệnh nhân, bác sĩ ghi rõ bệnh viện hiện hết thuốc, bệnh nhân xin tự túc mua thuốc ngoài. Đơn thuốc mua ngoài bệnh nhân hết 3 triệu/lần. Theo phản ánh của nhiều người bệnh, mua thuốc ngoài một hai ngày họ còn cố được, nhưng có những bệnh phải điều trị dài ngày như ung thư, bệnh mãn tính, nhiều người không co kéo nổi. Để chờ được BHYT thanh toán như Thông tư 22 Bộ Y tế mới ban hành còn mỏi mòn.
Tại hội thảo phổ biến Thông tư 22/2024/TT-BYT quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh và xin ý kiến các quy định thanh toán BHYT do Bộ Y tế tổ chức ngày 30/10, dược sĩ Nguyễn Thanh Hiền, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Việt Đức cho biết, có những lúc bệnh viện không đảm bảo thuốc, vật tư cung ứng cho người bệnh. Thuốc thiếu đa phần không thuộc trong danh mục thuốc hiếm, nhiều bệnh nhân thiếu thuốc trong tình trạng bệnh viện không thể chuyển tuyến do đây là tuyến cuối và tình trạng nặng của người bệnh...
Hiện nay, bệnh viện đang thiếu thuốc Albumin và thiếu một loại thuốc tăng cường miễn dịch. Ngày 18/10 vừa qua, Bệnh viện Việt Đức mở gói thầu, có 30 nhóm thuốc không có đơn vị nào dự thầu. “Thiếu thuốc Albumin thì không mổ xẻ được. Ví dụ, năm 2022 cũng không có một đơn vị nào dự thầu thuốc Albumin cho Việt Đức. Hiện tại, bệnh nhân Việt Đức đang phải mua Albumin ở ngoài”, bà Hiền cho biết.
Không riêng Việt Đức, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, thời gian qua, một số cơ sở khám, chữa bệnh vẫn không cung ứng đủ khiến người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư y tế ở ngoài. Với rất nhiều người bệnh nghèo hiện đang phải chi tiền túi mua thuốc, để được thanh toán BHYT có khi phải mất rất nhiều thời gian, vậy họ lấy đâu tiền để chi trả, trong khi nhiều người phải vay mượn? Trao đổi với phóng viên Báo CAND, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, người bệnh nghèo tạm ứng tiền mua thuốc, vật tư, sau đó làm thủ tục thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) sau.
Theo quy định, thời gian thanh toán không quá 40 ngày kể từ khi bác sĩ chẩn đoán và kê đơn. Đây là bước tiến mới thay vì người bệnh chưa được thanh toán như hiện nay. Điều này cũng làm giảm tình trạng kê đơn ngoài, cơ quan quản lý nhà nước và bảo hiểm sẽ phát hiện những trường hợp không thỏa đáng mà vẫn kê đơn cho người bệnh ra ngoài mua. Người bệnh sẽ được giảm bớt được những khó khăn.
“Tuy nhiên, khi làm thủ tục phải chờ đợi, phải có thời gian, gây khó khăn cho người bệnh nghèo. Đây là điều không mong muốn. Bộ Y tế sẽ cố gắng có giải pháp khác từng bước khắc phục tình trạng này. Dự thảo Luật BHYT sửa đổi lần này đang được trình Quốc hội, Bộ Y tế đã sửa đổi quy định của Điều 31 là khi cơ sở y tế thiếu thuốc không bắt người bệnh phải ra ngoài mua thuốc mà để cho bệnh viện điều chuyển thuốc với nhau, hoặc bệnh viện phải mua trực tiếp gọi về và thanh toán trực tiếp với cơ quan BHXH. Đây cũng là tính nhân văn khi xây dựng dự thảo Luật”, bà Trang nhấn mạnh.
Theo Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng các nghị định, thông tư, nếu Luật BHYT sửa đổi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn chi trả từ cơ sở khám chữa bệnh với cơ quan BHXH sớm, đáp ứng tình trạng cấp bách, không để người bệnh phải tự bỏ tiền ra mua rồi tự thanh toán với cơ quan BHXH. Dự kiến, Luật BHYT sửa đổi được ban hành sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025, Bộ Y tế sẽ có thời gian xây dựng thông tư hướng dẫn trình Chính phủ và người bệnh chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ cải thiện được tình trạng phải chi tiền túi mua thuốc ngoài.
Bệnh viện bằng mọi cách phải có đủ thuốc
Theo hướng dẫn của Thông tư 22, các trường hợp quỹ BHYT thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám bệnh chữa bệnh gồm có: Thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm; thiết bị y tế loại C hoặc D, trừ thiết bị y tế chẩn đoán in vitro, thiết bị y tế đặc thù cá nhân. Bên cạnh đó, Thông tư 22 cũng quy định điều kiện thanh toán trực tiếp chi phí thuốc, thiết bị y tế cho người có BHYT đi khám chữa bệnh chặt chẽ, khả thi trong các trường hợp không có thuốc, thiết bị y tế do các nguyên nhân bất khả kháng. Theo hướng dẫn mới nhất này, việc hoàn tiền thuốc, thiết bị y tế cho bệnh nhân BHYT khi cơ sở không cung cấp đủ thuốc và vật tư y tế chỉ thực hiện đối với từng trường hợp bệnh nhân, không phải thường quy của cơ sở y tế.
Trước ý kiến của đại biểu trong trường hợp người bệnh không thanh toán được thì ai chịu trách nhiệm? Vụ trưởng Vụ BHYT cho biết, vì Thông tư chưa triển khai, khi triển khai sẽ ghi nhận thêm những trường hợp có thể phát sinh và sẽ tiếp tục điều chỉnh. Thảo luận tại hội thảo, lãnh đạo Vụ BHYT cũng khẳng định, trách nhiệm cung ứng thuốc, thiết bị y tế là của cơ sở y tế và phải bằng mọi cách, cố gắng hết sức để đấu thầu, mua sắm đủ thuốc cho người bệnh, để không phải kê đơn cho người bệnh mua ngoài. Khi không được nữa mới áp dụng Thông tư 22. Bởi khi áp dụng Thông tư này, người bệnh cũng rất vất vả, cơ sở khám chữa bệnh cũng có trách nhiệm, cơ quan BHXH cũng phải thực hiện nhiều thủ tục để xem xét chi trả đúng quy định.