Thủ tục đất đai tại Đà Nẵng: cuộc đua từ lúc bình minh
Giao dịch đất đai tăng đột biến tại một số quận trên địa bàn TP Đà Nẵng khiến người dân phải xếp hàng từ sáng sớm để bốc số làm thủ tục hành chính.
Những ngày đầu tháng 4, tại các quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng), lượng người dân đến làm thủ tục đất đai tăng cao bất thường, dẫn đến tình trạng quá tải tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (Bộ phận một cửa) của các địa phương.

Người dân xếp hàng dài chờ bốc số tại quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Tấn Việt
Ghi nhận sáng 9/4, từ 6 giờ sáng, hàng trăm người dân đã có mặt tại trụ sở UBND quận Ngũ Hành Sơn để chờ bốc số thứ tự. Dòng người kéo dài tràn cả ra vỉa hè. Theo người dân, để bốc được số nhỏ nhằm giao dịch trong buổi sáng, họ phải xếp hàng từ tờ mờ sáng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không thể hoàn tất thủ tục trong ngày và buộc phải quay lại nhiều lần.
Tại đây, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 200 hồ sơ liên quan đến đất đai, chưa kể số lượng hồ sơ trả kết quả. Đại diện UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, hệ thống tiếp nhận hiện chỉ giới hạn theo thời gian, chưa thể giới hạn số lượng hồ sơ, dẫn đến tình trạng nghẽn cục bộ. Chính quyền địa phương đang rà soát để nâng cấp phần mềm và bổ sung nhân lực, đảm bảo phục vụ người dân hiệu quả hơn.
Tương tự, tại quận Cẩm Lệ, người dân được hướng dẫn quét mã QR để lấy số thứ tự giao dịch. Mỗi quầy thủ tục đất đai chỉ phát tối đa 30 số/buổi, hệ thống tự động khóa sau khi đủ lượt. Tuy nhiên, việc phải quét mã trực tiếp tại trụ sở (không chấp nhận quét qua ảnh chụp) cũng khiến nhiều người không thể chủ động sắp xếp thời gian, gây áp lực lên bộ máy hành chính cơ sở.

Người dân tại khu vực một cửa quận Cẩm Lệ. Ảnh: Tấn Việt
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải, một số cán bộ địa phương và giới kinh doanh bất động sản cho rằng có nhiều yếu tố cộng hưởng. Trong đó, thông tin dự kiến sáp nhập tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng thời gian qua đã tác động mạnh đến tâm lý người dân và nhà đầu tư. Giao dịch tại các vùng giáp ranh giữa hai địa phương tăng mạnh, đẩy giá đất ở nhiều khu vực lên 15–20% so với cuối năm 2024.
Ngoài ra, trong quý I/2025, Đà Nẵng chứng kiến sự hồi phục đáng kể của thị trường bất động sản sau thời gian dài trầm lắng. Nhiều dự án lớn tái khởi động, cộng với nhu cầu mua đất ở thực tăng cao đã kéo theo sự gia tăng đột biến hồ sơ chuyển nhượng, tách thửa, xác nhận nguồn gốc đất, đăng bộ… Đặc biệt, tại các phường ven biển như Hòa Hải, Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) và Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), số lượng giao dịch tăng mạnh do kỳ vọng hạ tầng du lịch, thương mại sẽ được đầu tư mạnh trong thời gian tới.
Thực tế này cũng đặt ra yêu cầu tăng tốc cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai. Từ năm 2024, UBND TP Đà Nẵng đã triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ đất đai, tuy nhiên việc triển khai tại cấp quận, phường còn chưa đồng đều, một số nơi vẫn phụ thuộc nhiều vào thao tác thủ công.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, hiện tượng người dân ồ ạt đi làm thủ tục liên quan đến đất đai không chỉ phản ánh dấu hiệu thị trường bất động sản đang nóng trở lại, mà còn cho thấy nhu cầu cấp thiết phải cải cách hành chính và số hóa toàn diện hệ thống quản lý đất đai, đặc biệt tại cấp quận, phường. Hiện nay, việc chậm ứng dụng công nghệ cùng tình trạng thiếu nhân sự tại bộ phận một cửa đang trở thành điểm nghẽn cần được tháo gỡ kịp thời.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi rõ nét, việc nâng cao năng lực hệ thống hành chính đất đai, đẩy mạnh minh bạch hóa thông tin và ứng dụng công nghệ số là những giải pháp bền vững, không chỉ giúp ổn định thị trường mà còn góp phần giảm tải cho bộ máy cơ sở, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai.